Hình minh họa.
13 năm không làm quan để làm thày giáo
Ông họ Vũ, húy là Lý hiệu Vĩnh Xuyên, tự Trung Thuận, vốn xuất thân là nhà Nho ở xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Sang tỉnh Hà Nội (nay thuộc Lý Nhân, Hà Nam). Cụ thân sinh ra ông là người nổi tiếng văn tài ở trấn Sơn Nam hạ, được triều đình phong tặng Phụng thành đại phu làm đến chức Hàn lâm viện thị giảng, mẹ họ Trần được tặng Tòng ngũ phẩm nghi nhân (bia khắc năm Tự Đức thứ 30 (1878) tại nhà thờ họ Vũ thị trấn Vĩnh Trụ).
Ông Vũ Văn Lý sinh năm Kỷ Tỵ (1809), đậu cử nhân năm Canh Tý (1840). Năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị 1 (1841) được triều đình bổ nhiệm làm liên tu Quốc sử quán, làm việc tại triều được 10 năm, đến năm Tự Đức thứ 5 (1881) vì lý do sức khỏe Vũ Văn Lý lui về quê nhà dưỡng hưu.
Tại quê nhà xã Vĩnh Trụ, ông nghè Vũ Văn Lý mở trường dạy học, được 13 năm đến năm Tự Đức thứ 18 (1864), ông lại nhận chỉ trở lại triều đình phục chức Tu soạn Quốc sử quán và Quốc tử giám tế tửu.
Năm Tự Đức thứ 23, Vũ Văn Lý được phong Hàn lâm viện thị giảng. Ngày 3 tháng 5 năm Tự Đức thứ 30 (1878), ông qua đời hưởng thọ 71 tuổi.
Cả hai lần làm quan lần đầu từ năm 1841 đến năm 1851 và lần thứ hai từ năm 1864 đến năm 1878 tổng cộng là 17 năm. Thời gian gián cách từ khi làm quan lần đầu đến lần 2 là 13 năm.
Chính trong thời gian gián cách 13 năm đó mà Vũ Văn Lý đã trở thành một nhà giáo lớn, đã để lại trong lòng nhân dân vùng Lý Nhân tỉnh Hà Nam nhiều dấu ấn khó quên. Đến nay, nhân dân vùng này vẫn kể cho nhau nghe những giai thoại nói về tình cảm của ông đối với học trò, nhất là việc ông đã nuôi dưỡng và sớm phát hiện ra tài năng của Nguyễn Thắng (sau là nhà thơ Nguyễn Khuyến).
Thày dạy của các danh nhân
Trong gia phả họ Nguyễn làng An Đỗ, nhà thơ Nguyễn Khuyến có đoạn tự bạch như sau:
“Tôi theo học quan tri phủ Hoài Đức là Trần Tiên sinh (húy Vỹ, người xã Vụ Bản). Chỗ nông thì lội, chỗ sâu đi thuyền, nương nhau mà sống. Mẹ tôi thì sớm chiều tựa cửa ngóng trông để giúp con nên người. Khuyến tôi thì một ngày học, mười ngày nghỉ. Năm tôi 18 tuổi đi thi, trượt ngay kỳ đệ nhất, năm Ất Mão (1855) rồi Mậu Ngọ (1858), thi hai khóa chỉ trúng nhị trường. Đến khoa Tân dậu (1861) lại bị loại ngay từ kỳ đệ nhất.
Thế là bốn khoa thi không đỗ, mẹ tôi tuổi ngày càng cao, nhà lại thêm nghèo. Vì thế tôi đành thu xếp ngồi dạy học ở nhà Đoàn Bích (là học trò của cha tôi ở xã Liễu Đôi, huyện Thanh Liêm). Nhưng mà sau đó may mắn gặp quan Tế tửu Vũ tiên sinh là học trò của ông bác tôi, khen tôi gắng công đèn sách và hứa cấp cho tôi giấy bút, lương ăn hàng tháng.
Khuyến tôi xin với mẹ rằng thày giáo chỉ đủ lương một mình con ăn học còn ở nhà thiếu thốn thì sao? Nên con muốn tìm chỗ ngồi dạy học kiếm lương để sớm chiều mẹ đỡ phải lo, có được không. Mẹ tôi tỏ vẻ không vui trả lời tôi “Nhà con nối đời nho học, nếu con chịu khó theo đòi học hành, thì mẹ dù đói rét cũng cam tâm. Nếu chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt mà bỏ sự nghiệp học hành thì sau này còn mặt mũi nào nhìn cha ông nơi chín suối.
Vâng lời mẹ, tôi bèn đến học quan Tế tửu họ Vũ (húy Lý ở xã Vĩnh Trụ huyện Nam Sang)”.
Căn cứ lời tự bạch trên, khi viết Địa chí huyện Bình Lục, phần nói về xã An Đỗ, tác giả Ngô Vi Liễn có câu “Lúc thiếu thời vị Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến được ông tiến sĩ Vũ Văn Lý người xã Vĩnh Trụ, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang nhận làm con nuôi và dạy cho học tại tư dinh của ông”.
Vũ Văn Lý ông nghè yêu nước còn là thầy dạy của một số danh nhân khác như Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi, đã từng tham gia và hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1884) do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo, hoặc ông nghè Chấn Sơn ở Kim Bảng.
Số đông học trò của Vũ Văn Lý sau này đều trở thành các sĩ phu yêu nước hăng hái trong phong trào văn thân chống Pháp những năm cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 ở vùng Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình.
(còn nữa)
Tuấn Đạt