Phát triển Nam Bộ
Năm 1827, quân Xiêm đánh vào Vạn Tượng (Lào), áp sát Nghệ An, đe dọa nước ta. Lê Văn Duyệt đã hiến kế và được Minh Mạng chuẩn y viết thư cho vua Xiêm phân tích phải trái và đe dọa, nếu Xiêm đánh sang Đại Nam, Lê Văn Duyệt sẽ dẫn thủy quân theo kênh Vĩnh Tế đánh thẳng vào Băng Cốc, nhờ đó, ngăn chặn được một cuộc chiến tranh.
Lăng Ông thờ Lê Văn Duyệt
Việc cai quản của Lê Văn Duyệt đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam Bộ, khiến cho vùng này từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành một khu vực bình yên và giầu có.
Tại Gia Định, ông cho lập hai cơ sở từ thiện là “Anh hài” dạy võ nghệ cho trẻ em và “Giáo dưỡng” dạy chữ và dạy nghề thủ công cho trẻ mồ côi, quả phụ không nơi nương tựa. Thành Gia Định sau những tháng năm chiến tranh nhanh chóng trở thành một đô thị sầm uất, kỷ cương phép nước được tôn trọng.
Là một tướng cầm quân giỏi, Lê Văn Duyệt được triều đình tin tưởng giao bình ổn các khu vực bất ổn. Các năm 1803, 1805, 1808 và 1816, Lê Văn Duyệt bốn lần bình định cuộc nổi dậy của người Chăm H’Roi (sử cũ gọi là Mọi Vách Đá) ở vùng núi cao phía tây tỉnh Quảng Ngãi.
Nhân dân ghi nhận công đức
Nổi tiếng công tư nghiêm minh, Lê Văn Duyệt giết Huỳnh Công Lý cha đẻ một quí phi được Minh Mạng sủng ái phạm tội tham nhũng. Đồng thời, Lê Văn Duyệt phản đối việc nối ngôi của vua Minh Mạng và bảo vệ các tín đồ Công giáo Việt Nam khỏi chính sách bế quan toả cảng và trọng nho giáo của nhà vua.
Những việc này khiến ông luôn xung đột với nhà vua và dẫn đến triều đình nhà Nguyễn kết án 7 tội đáng chém, bị truy đoạt mọi quan tước, san bằng mồ mả sau khi Lê Văn Duyệt mất.
Bạch Xuân Nghiêm được Minh Mạng cử vào tiếp quản quyền lực đã tìm cách kết tội những người thân tín cũ của Lê Văn Duyệt dẫn đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, người con nuôi của ông chống lại triều đình.
Sau khi cuộc nổi dậy bị dập tắt, Lê Văn Duyệt tiếp tục bị truy tội đến mãi đời Thiệu Trị (1841) thì vụ án mới được xét lại và ông mới được phục hồi danh dự.
Tháng 3/1848, Lê Văn Duyệt được vua Tự Đức truy phục chức cũ, thờ tại Trung Hưng Công Thần Miếu.
Trải qua biến động của lịch sử, có nhiều đánh giá khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp Lê Văn Duyệt, nhưng nhân dân miền Nam vẫn ghi nhận công đức của Lê Văn Duyệt đối với nhân dân và đất nước, được coi như một vị thần, trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân.
Năm 2000, các nhà sử học và các học giả có tên tuổi trong nước đều có chung nhận định: “Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó”.
Ngày 4/2/2008, tượng Tả quân Lê Văn Duyệt đã được đặt trang trọng tại điện thờ ông tại Lăng Ông Bà Chiểu (số 1, Vũ Tùng, quận Bình Thạnh, TP HCM). Tượng được đúc bằng đồng nguyên chất do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực hiện. Đây là ý tưởng của Tạp chí Xưa và nay và Hội Khoa học lich sử Việt Nam trong chương trình Đúc tượng đồng cho lăng Ông.
TS Nguyễn Thành Hữu