Vua Trần Minh Tông.
Cái chết đau thương của Quốc phụ Thượng tể
“Đại Việt sử kí toàn thư” ghi lại vụ án xảy ra vào năm Mậu Thìn 1328 như sau: “Mùa xuân, tháng 3, giết quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn. Bấy giờ vua đã ở ngôi 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử.
Cha hoàng hậu là Quốc Chẩn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập. Trong khi đó, Cương Đông Văn Hiến hầu không rõ tên là con của Tá Thánh thái sư Trần Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử tên là Vượng, nên đã lấy 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Trần Quốc Chẩn là Trần Phẫu bảo nó vu cáo Quốc Chẩn âm mưu phản loạn.
Vua tin là thực đã giam Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung vốn cùng cánh với Văn Hiến, từng làm thày dạy Vượng, nên liền tâu ngay bằng câu thành ngữ “tróc hổ dị, phóng hổ nan” (Bắt hổ dễ, thả hổ nguy).
Vua nghe theo từ đó mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Lệ Thánh hoàng hậu khi vào thăm cha đã lấy áo nhúng nước mặc vào người rồi vắt ra cho cha uống.
Trong khi đó Lê Thị là mẹ Thái tử Vượng muốn cho Trần Quốc Chẩn chết sớm để con mình được lập, liền cho người mang nước tẩm độc cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Những người bị bắt oan trong vụ án này có đến hơn hai trăm, khi tra hỏi ai cũng kêu gào là oan.
Sau này gặp khi vợ cả và vợ lẽ của Trần Phẫu vì ghen nhau, đã đem chuyện Văn Hiến Hầu đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục.
Ngục quan Lê Duy là người cương trực đem việc xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ không rõ tên là con của Quốc Chẩn đã lén cướp hắn về lóc thịt ăn sống hết. Văn Hiến hầu được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xóa tên trong sổ hoàng tộc.
Vua hối lỗi
Sách Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng cũng cho biết: Bấy giờ Quốc thúc giữ chức Thượng tể, nắm quyền bính của nước nhà, thường không né tránh hiềm nghi, cho nên có xích mích với các quan thừa hành.
Bỗng có kẻ thù hằn, lập mưu dựng chuyện biến loạn nguy cấp vu cho Thượng tể và vội tâu lên. Trăm quan kéo đến đàn hặc xin triều đình khép vào tội phải chết.
Lúc ấy, chỉ có quan giữ chức Ngự sử trung thừa là Phạm Mại cố xin hãy từ từ xét xử và hãy hết sức cẩn trọng khi dùng hình pháp. Thượng tể bị bắt, bọn gia thần liêu thuộc cùng thân thích và tôi tớ đều bị tống giam, bị giết chóc rất nhiều.
Phạm Mại liên tục dâng sớ can ngăn, đối mặt với cả pháp ty để biện luận và chứng minh cho sự oan khuất của Thượng tể. Ông cố sức tranh cãi mãi bất chấp cả cơn giận của Hoàng đế.
Do nhiều lần can gián, vua nổi giận cách chức của Phạm Mại, rồi sau khi vụ án sáng tỏ, Trần Minh Tông hối lỗi ban chiếu minh oan cho Trần Quốc Chẩn, khôi phục tước vị đại vương và lập đền thờ ông trên núi Kiệt Đặc nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương còn Phạm Mại cũng được phục hồi quan chức lại được thăng làm Môn hạ sảnh đồng tri, Tham tri chính sự.
Nguyễn Thành Hữu