Hình minh họa.
Học võ chính quy được coi trọng
Trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê… các cuộc xâm lăng của ngoại bang đều bị nhân dân ta quật ngã. Võ thuật được học phổ biến rộng rãi, nhưng về cơ bản việc dạy và học võ chủ yếu là tự phát, phải đến tháng 8 năm Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2 (1721) đời Lê Dụ Tông (1705- 1728) lần đầu tiên việc dạy và học võ chính quy được coi trọng.
Sử viết rằng: “Tháng tám, họp bàn thi hành phép học võ và thi võ. Lập trường học võ, đặt quan giáo thụ, lệnh cho con cháu các công thần và bề tôi đều được vào học. Luyện tập chiến lược trong võ kinh và các môn võ nghệ.
Hàng năm, lần lượt những tháng mùa xuân, mùa thu thi tiểu tập, bốn tháng trọng (Trọng xuân- tháng 2; Trọng hạ- tháng 5; Trọng thu- tháng 8; Trọng đông- tháng 11) thi đại tập. Xuân thu tập võ nghệ, đông hạ tập văn. Quan giáo thụ đề cử người trúng tuyển để điều động bổ dụng.
Chuẩn định 3 năm một lần thi, tất cả những bậc tuấn tú trong nước cũng được ứng cử. Về phép thi, trước hết hỏi qua về nghĩa cốt yếu trong sách Tôn Tử (tức Tôn Tử binh pháp), ai thông hiểu nghĩa sách thì cho vào đua võ nghệ, môn thứ nhất: cưỡi ngựa, múa thanh mâu dài; môn thứ hai: đánh kiếm có múa khiên; môn thứ 3: múa đao; kỳ chót thi về phương lược quân sự. Ai trúng cách thì được dẫn vào sân phủ chúa thi phúc hạch, sau đó được bổ dụng, tùy theo đỗ cao hay thấp” (Đại Việt sử ký tục biên).
Về chức danh Tạo sĩ
Như vậy, có thể thấy nội dung học và phép thi võ đã được ban hành đi vào nề nếp, có bài bản định chế rõ ràng. Năm Quý Mão, Bảo Thái năm thứ 4 (1423) bắt đầu đặt khoa thi võ, lấy những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi Sở cử, những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Bác cử.
Cả hai kỳ thi này đều 3 năm thi một lần. Phép thi: Trước hết hỏi qua về Vũ kinh, rồi sau nhiều lần thi đua võ nghệ đến kỳ cuối cùng thi một bài văn sách. Thi Sở cử: tỉ thí võ nghệ, người nào trúng cách được làm sinh viên (tương đương với khoa thi về văn); quan viên tử, quan viên tôn mà trúng cách được làm biền sinh (tương đương với nho sinh).
Đợt thi văn cách thì được làm học sinh (tương đương với hương cống), quan viên tử, quan viên tôn mà hợp cách được làm biền sinh hợp thức (tương đương với nho sinh trúng thức), thi Bác cử. Đến kỳ cuối cùng mà trúng cách được làm Tạo sĩ (tiến sĩ võ).
Người nào kỳ đệ tam được dự vào hạng toát thủ (tức là hạng trội nhất, giỏi nhất) cũng cùng được bổ dụng như Tạo sĩ (thi Bác cử tại kinh đô cũng như thi Hội và thi Đình bên văn. Còn thi Sở cử thì tiến hành tại các trấn giống như thi Hương).
Năm Giáp Thìn, Bảo Thái thứ 5 (1724), mùa đông, tháng 11, bắt đầu thi khoa Bác cử, lấy bọn Nguyễn Công Tự 11 người. Từ đấy về sau cứ 3 năm một khoa, đặt làm chế độ lâu dài. Trong khoa thi năm nay (1724) chúa Trịnh Cương rước nhà Vua tới xem thi, về sau chỉ một mình chúa tới duyệt làm thành lệ thường.
So sánh với kỳ thi Nho học, thì ở kỳ thi võ học người được làm Tạo sĩ tương đương với Tiến sĩ bên văn học. Khoa Bác cử đầu tiên lấy 11 Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) đầu tiên của nước ta. Theo Lê triều tạo sĩ đăng khoa lục thì các vị này gồm: Phạm Công Tự, Phạm Hữu Tuấn, Phạm Hữu Nhậm, Mai Châu Điểm, Văn Đình Dận, Nguyễn Đức Luận, Nguyễn Thời Ly, Đặng Đình Truyền, Hoàng Nghĩa Bá, Bùi Thế Tước, Trịnh Điền.
(còn nữa)
Trịnh Dương