Long nhãn hầm chữa cơ thể suy nhược

(khoahocdoisong.vn) - Theo y học cổ truyền, long nhãn là một vị thuốc có tác dụng dưỡng huyết, an thần, vào hai kinh tâm và tỳ, thường được dùng chữa suy nhược cơ thể, bổ thần kinh, mệt mỏi, mất ngủ, hay quên, hoảng hốt...

Quả nhãn chứa nhiều khoáng chất, vitamin A, C, kali, photpho, magie và sắt, không chỉ thơm ngon mà còn có thể chế thành nhiều món ăn ngon và có tác dụng trị bệnh.

Cháo long nhãn + đại táo: Long nhãn 30g, hạt sen 30g, đại táo 5 quả, gạo nếp 60g, đường trắng lượng vừa đủ. Hạt sen bỏ tâm và vỏ, đại táo bỏ hạt, gạo nếp đãi sạch, tất cả đem nấu thành cháo, chế thêm đường trắng, ăn trong ngày. Công dụng: Ích tâm an thần, dùng cho người bị mất ngủ kèm theo tình trạng mệt mỏi nhiều, hay có cảm giác khó thở, hồi hộp trống ngực, hay quên, thiếu máu, đại tiện lỏng nát. Trong bài, hai vị thuốc có tác dụng an thần là long nhãn và hạt sen. Long nhãn vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ tâm dưỡng huyết, sinh tân nhuận táo. Hạt sen có tác dụng bổ tâm ích trí, phối hợp với long nhãn có khả năng an thần bổ hư khá tốt.

Long nhãn hầm tim lợn: Tim lợn 1 quả, hạt sen 30g, long nhãn 15g, bách hợp 30g, gia vị vừa đủ. Tim lợn loại bỏ phần mỡ, rửa sạch, thái mỏng. Hạt sen bỏ tâm. Bách hợp và long nhãn rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, đổ vừa nước, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ trong 1 giờ. Khi chín, chế thêm gia vị, ăn nóng trong ngày. Nếu dùng hạt sen và bách hợp tươi thì càng tốt nhưng lượng phải nhiều gấp đôi. Công dụng: Bổ tâm, dưỡng tỳ, an thần; thích hợp với những người suy nhược thần kinh, ngủ kém, hay quên, giấc ngủ nhiều mộng mị... Món này cũng giúp bổ phế, giảm ho cho những người có các bệnh đường hô hấp. 

Long nhãn hầm trứng chim cút + hạt sen: Long nhãn 10g, trứng chim cút 4 quả, hạt sen 15g, long nhãn 10g. Trứng chim luộc chín bỏ vỏ, hạt sen bỏ tâm, long nhãn rửa sạch. Tất cả cho vào nồi ninh trong 30 phút, chế thêm một chút đường phèn, ăn cái uống nước. Công dụng: Kiện tỳ ích khí, dưỡng huyết an thần. Dùng cho những người bị suy nhược thần kinh thuộc thể "Tâm tỳ lưỡng hư" biểu hiện bằng các triệu chứng như sắc mặt nhợt nhạt, mệt mỏi như mất sức, có cảm giác khó thở, mất ngủ, giấc ngủ hay mê mộng, dễ hồi hộp, trí nhớ giảm sút, chán ăn, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt...

Cháo long nhãn + bách hợp: Bách hợp 10g, long nhãn 10g, a giao 6g, liên nhục 12g, hoài sơn 12g, mộc nhĩ trắng 6g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, tiểu mạch 12g, đại táo 5 quả bỏ hạt. Tất cả đem ninh nhừ thành cháo, ăn trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ hòa vị, dưỡng tâm an thần, dùng thích hợp cho những người mất ngủ do suy nhược thần kinh kèm theo các triệu chứng hay hồi hộp, lo lắng thái quá, giấc ngủ hay mê mộng, trí nhớ suy giảm. Nên dùng liên tục trong 1 tháng.

Rượu dâu + long nhãn: Quả dâu chín 50g, long nhãn 50g ngâm trong 2 lít rượu trắng, sau hai tuần có thể dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10ml. Công dụng: Bổ thận ích não. Dùng cho những người trí lực giảm sút, cơ thể suy nhược, hay quên, mất ngủ.

Long nhãn hấp chim cút: Chim cút rút xương 150g, tủy sống lợn 50g, long nhãn 40g, đường phèn 40g, hành 5g, gừng tươi, gia vị và nước dùng gà vừa đủ. Chim cút làm sạch, chặt miếng, để ráo nước; tủy lợn trần qua, loại bỏ gân xơ; long nhãn dùng nước ấm rửa sạch; gừng tươi đập dập. Tất cả cho vào bát đem hấp cách thủy. Công dụng: Bổ ngũ tạng, an tâm thần, tăng trí lực, cải thiện sức nhớ. Dùng cho người bệnh có thể chất suy nhược, công năng tỳ vị sút kém, năng lực ghi nhớ suy giảm, sức tập trung chú ý kém, dễ hồi hộp, mất ngủ, hay quên.

BS Xuân Mai (Hội Đông y Việt Nam)

Theo TT&CS
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top