Suy nhược cơ thể vì tập thiền, yoga, luyện khí sai

(khoahocdoisong.vn) - Không ít người sau một thời gian luyện tập khí công, thiền định và yoga cảm thấy cơ thể gầy sút, mệt mỏi, tinh thần trì trệ... thậm chí rơi vào mất ngủ, trầm cảm.

Quan trọng là làm chủ được hơi thở

Chị Nguyễn Thị P. (45 tuổi, Hà Nội) nghe mọi người nói luyện tập các môn dưỡng sinh như khí công, thiền, yoga... rất tốt cho sức khỏe nên chị đăng ký tham gia tập luyện. Nhưng càng tập, chị càng thấy sức khỏe suy sụp, chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ và tinh thần trì trệ... 

BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB Khí Công Thăng Long cho biết, trường hợp của chị P. không phải cá biệt. Tại Trung tâm khí công và thiền định thuộc môn phái Thăng Long võ đạo ông đã nhận và điều chỉnh lại phương pháp tập cho khá nhiều người do mắc phải sai lầm khi tập không đúng. Phần lớn những người này đều mở khí chu thiên theo trường phái khí công ngoại gia. Sau khi luyện tập một thời gian thấy cơ thể gầy sút, mệt mỏi, tinh thần trì trệ, mất ngủ hoặc xuất hiện các ảo giác bất thường. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Học viện Yoga Việt Nam cho biết, khí công dưỡng sinh là các phương pháp, bài tập về khí nhằm mục đích nâng cao sức khỏe tâm – thể - trí của con người, phòng và chống bệnh tật, tăng cường sức đề kháng, tăng cường miễn dịch, giữ gìn sự cân bằng trước mọi áp lực cuộc sống...

Tuy nhiên, khi tập về khí đòi hỏi mọi người phải tập đúng, nếu không sẽ sinh bệnh. Bởi hơi thở là sự sống của con người, hơi thở là biểu hiện của trạng thái tâm lý thần kinh, sức khỏe. Người khỏe mạnh thì có hơi thở sâu, đều, nhịp thở êm dài, khi ốm đau bệnh tật thì hơi thở nông, gấp gáp, thở hổn hển, thoi thóp.. .Khi người ta lo lắng, buồn phiền, đau khổ, hay sợ hãi, giận dữ hoặc phấn chấn, vui mừng, hơi thở sẽ bị thay đổi, loạn nhịp.

Vì vậy, việc quan trọng của người tập luyện khí công dưỡng sinh là làm chủ được hơi thở. Người tập cần điều hòa được nhịp thở theo một quá trình rèn luyện hợp lý thường xuyên, lâu dài để nâng cao sức khỏe, ổn định các trạng thái tâm lý bất bình thường. Kết quả là tạo cảm giác thoải mái, tươi vui tràn đầy sinh lực, tự tin, bản lĩnh trước mọi tác động của môi trường sống. Còn nếu thở sai, không làm chủ được nguồn năng lượng, khí nhanh quá mức gấp gáp, không điều chỉnh được tâm lý và hành vi làm rối loạn nhịp sinh học... và gây bệnh lý.

Mở khí chu thiên sai mang hại cơ thể

Vòng chu thiên.

Vòng chu thiên.

BS.VS Nguyễn Văn Thắng cảnh báo, đa phần những người bị bệnh nặng là do mở khí công chu thiên ngoại gia. Tập vòng chu thiên là phương pháp dành cho những thầy có kinh nghiệm hoặc người có tu tập nhiều năm, nhưng hiện tại nhiều người được hướng dẫn tập luyện theo lối tắt để mong cải thiện sớm sức khỏe. Vòng chu thiên là đường dẫn khí vòng quanh cơ thể. Người ta cho rằng nếu khai thông, điều dẫn khí theo vòng chu thiên, người luyện khí sẽ đạt được những công năng phi thường, khai mở được sinh tử huyền quan (cánh cửa sinh tử).

BS.VS Nguyễn Văn Thắng phân tích, vòng chu thiên là con đường đạo dẫn dài chạy một vòng toàn thân, sẽ bị phân tán khí làm hao hụt chân khí, làm cho cơ thể mỏi mệt.

Đây là con đường lớn phải đi qua 3 ách chắn là vỹ ly (ở tận cùng cột sống), giáp ly (đoạn sống lưng giữa bả vai) và ngọc lư (đoạn trên của rãnh gáy). Bình thường  lượng khí đi lên qua đốc mạch rất nhỏ nhẹ nhưng bây giờ ta luyện cho dòng khí đi qua đây mạnh hơn, mà 3 trung tâm chưa mở sẽ làm cho khí đốc mạch bị đình bế và toàn bộ quá trình vận hành khí chu thiên bị đình bế (giống như giao thông bị tắc) sẽ làm cản trở sự tham gia giao thông trên đường. Khi khí chu thiên bị đình bế sẽ gây rối loạn khí toàn thân.

Khi giật hội âm để dẫn khí lên như thế, khi đốc mạch chưa mở, khí âm từ hội âm chưa được dương hóa sẽ theo đới mạch chạy song song với cột sống thẳng lên não. Não bị âm gây hư não. Đây là nguyên nhân gây nên trầm cảm và biến đổi ý thức và cảm xúc.

Để mở chu thiên an toàn, theo BS.VS Nguyễn Văn Thẳng, nên mở theo con đường nội gia khí công thuộc tiên thiên khí công nguyên pháp, tức là phải qua 3 bước:

Bước 1: Phải kích hoạt đan điền. Khí tại đan điền là khí hải (bế khí) được tâm hỏa chiếu xuống, khí đan điền sẽ ấm nóng.

Bước 2: Khi hít vào thì ý thủ đan điền và khi thở ra thì dùng ý dẫn khí nóng ấm của đan điền đến mệnh môn (giữa thắt lưng) là trung ương của hai thận. Khi đó khí nóng từ đan điền sẽ lần lượt mở 3 trung tâm lực của đốc mạch mà làm thông đốc mạch. Đây còn gọi là dòng thông lửa, dòng hỏa xà được điều chỉnh, hay còn gọi là phép tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên.

Bước 3: Sau khi đốc mạch đả thông, mới chính thức dẫn khí chu thiên theo khí công ngoại gia.

Để phòng tránh những tai biến do tập khí công không đúng mọi người không nên tự tập luyện mà cần có sự hướng dẫn của các thầy có kinh nghiệm và chuyên môn.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top