“Thông thái” trước, học nghề sau
Đầu năm 2019, Tổng cục GDNN có công văn số 689/TCGDNN-PCTT gửi trường Cao đẳng Dược Hà Nội. Nội dung công văn cho biết trường này có đào tạo và tuyển sinh tại 5 địa điểm tại Hà Nội tại các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy khi chưa được cấp phép.
Do đó, Tổng cục GDNN yêu cầu trường Cao đẳng Dược có văn bản báo cáo Tổng cục về việc này. Tuy nhiên, Cao đẳng Dược Hà Nội đã không thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục GDNN. Tới ngày 12/06/2019, Tổng cục GDNN lại tiếp tục phát công văn số 1027/TCDN-PCTT nhắc nhở về nội dung trên, Cao đẳng Dược Hà Nội mới có báo cáo.
Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, trong thực tế có nhiều trường đang hoạt động tuyển sinh, đào tạo… tại Hà Nội, mà không theo quy định. Thực tế là, tại Hà Nội, có những trường tên gọi có định danh Hà Nội, nhưng lại không thuộc Hà Nội. Và với tên gọi đó, các trường này quảng cáo tuyển sinh, thực hành, đào tạo… như là trường của Hà Nội. Tức là hàm nghĩa có chất lượng cao hơn các trường ở các địa phương khác.
Tất nhiên, với vô số quảng cáo, tên trường, ngành nghề đào tạo na ná giống nhau, sẽ không lạ khi người có nhu cầu học dễ lẫn lộn giữa các trường cao đẳng, văn phòng tuyển sinh, cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành…
Thực tế ấy khiến ngay các chuyên gia giáo dục cũng dễ nhầm lẫn. Và ngay cả các cán bộ, hay chuyên gia trong ngành cũng không hề phân biệt được dễ dàng. Và trở thành nguyên nhân đầu tiên cho vấn nạn đào tạo “chui” tại Hà Nội, mà ngay cơ quan quản lý là Tổng cục GDNN cũng không dễ gì kiểm soát nổi.
Với người học, thực tế này có nghĩa, muốn trở thành lao động “có nghề” do được đào tạo tại cơ sở tốt, người học lại phải “thông thái” trước. Tức là phải phải phân biệt được giữa vô số các trường na ná như nhau, đâu là trường Hà Nội, và đâu là trường tỉnh ngoài, đâu là trường đâu là cơ sở đào tạo, đâu là trường đâu là cơ sở thực hành...
Trụ sở của trường Cao đẳng Y Hà Nội I (địa chỉ trên trang Web của trường) thuê trong trường Trung cấp Nghiệp vụ và Dạy nghề Công đoàn Hà Nội. |
Cấp dễ dàng, quản gian nan?
Về nguyên tắc, hiện việc cấp phép đào tạo cho các trường là khá dễ dàng. Nhưng trong thực tế, việc quản lý lại không dễ dàng như cấp phép. Dường như, cơ quan quản lý đang “bất lực” trong quản lý các trường cao đẳng có mã ngành chăm sóc sức khỏe. Đây là thực tế có thể quan sát được.
Chẳng hạn, trong quản lý chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2017 là năm đầu tiên luật Giáo dục Nghề nghiệp được áp dụng, Tổng cục GDNN giao chỉ tiêu cho các trường khá khiêm tốn. Theo tài liệu Tổng cục GDNN cung cấp cho PV, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của một số trường đào tạo tại Hà Nội như sau: Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, không được giao chỉ tiêu đào tạo hệ cao đẳng; Cao đẳng Dược Hà Nội I được giao 200 chỉ tiêu hệ cao đẳng Dược; Cao đẳng Dược Hà Nội ngành dược học 150 chỉ tiêu, Kỹ thuật dược 60 chỉ tiêu và chỉ được đào tạo tại Hưng Yên; Cao đẳng Y dược Pasteur hệ cao đẳng Dược được 60 chỉ tiêu, điều dưỡng 60 chỉ tiêu tại cả 2 địa phương Hà Nội và Yên Bái; Cao đẳng Y dược Hà Nội chỉ tiêu hệ cao đẳng Dược được 160, Điều dưỡng 120 chỉ tiêu, Kỹ thuật xét nghiệm y học 30 chỉ tiêu, Hộ sinh 50 chỉ tiêu và chỉ đào tạo tại Bắc Ninh…
Tuy nhiên, theo ghi nhận, năm 2017 hầu hết các trường đều tuyển sinh vượt rất xa chỉ tiêu được giao, thậm chí nhiều trường tiến hành đào tạo ngoài địa điểm được Tổng cục đã thẩm định. Hiện chưa rõ các trường báo cáo với Tổng cục GDNN như thế nào về thực tế này.
Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội không được giao chỉ tiêu đào tạo năm 2017 hệ Cao đẳng ngành chăm sóc sức khỏe , nhưng vẫn tiến hành tuyển sinh và đào tạo năm 2017. |
Theo công văn số 1189/TCGDDN-PCTT ngày 01/07/2019 của Tổng cục GDNN gửi Sở Y tế Hà Nội: Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, trường Cao đẳng Dược Hà Nội 1 (nay là trường Cao đẳng y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội), trường Cao đẳng y dược Pasteur trường Cao đẳng y dược Asean... tuyển sinh Tổ chức đào tạo cấp bằng tốt nghiệp các ngành nghề điều dưỡng hộ sinh liên thông từ trung cấp lên trình độ cao đẳng tại Hà Nội khi chưa được Tổng cục cấp giấy chứng nhận đăng ký giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Để nắm bắt thông tin, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị Sở Y tế Hà Nội xem xét có ý kiến để bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở y tế thuộc Sở Y tế Hà Nội cung cấp danh sách cán bộ công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị của mình tham gia các khóa học do trường cao đẳng nêu trên tổ chức gửi sở y tế thành phố Hà Nội tổng hợp...”.
Theo điều 11, Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH ngày 21/9/2017, trách nhiệm của các Sở LĐTB&XH là: “Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đào tạo liên thông đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý; Tổng hợp tình hình đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp của các trường trên địa bàn quản lý theo năm thực hiện tính đến 31/12 hàng năm và báo cáo bằng văn bản về Bộ LĐTB&XH (qua Tổng cục GDNN) trước ngày 25/01 của năm tiếp theo; Báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động đào tạo liên thông của các trường trên địa bàn quản lý và các vấn đề khác có liên quan theo quy định của pháp luật hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu”.
Quy định là vậy, nhưng từ nội dung công văn Tổng cục GDNN gửi Sở Y tế Hà Nội cho thấy, ngay cấp Tổng cục cũng phải “cầu cứu” đơn vị thứ 3 để có được kết quả giám sát, chứ “không dám” chỉ sử dụng báo cáo từ các trường và sở LĐTB&XH của ngành mình.
Thông tin bổ sung, công văn 1189/TCGDDN-PCTT của Tổng cục GDNN cũng nói rõ về hoạt động đào tạo liên thông của các trường này tại Hà Nội. Nhưng, theo khoản 3, điều 3, Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH ngày 21/9/2017 đã quy định, đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, các trường phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất 01 (một) khóa học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng hình thức đào tạo chính quy đã tốt nghiệp.
Đáng chú ý, nhiều trường được đổi tên, nâng cấp từ các trường Cao đẳng đa ngành sang khối ngành sức khỏe (trừ Cao đẳng Asean thuộc Bộ GD&ĐT chuyển sang), và các mã ngành được Tổng cục GDNN giao vào năm 2017. Do vậy, các trường này khó có thể đủ điều kiện đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng khối ngành chăm sóc sức khỏe.
Vậy các trường cao đẳng có mã ngành sức khỏe đang hoạt động như thế nào tại Hà Nội? Tổng cục GDNN đã quản lý, thẩm định về giảng viên, cở sở vật chất thế nào đối với các trường?...
Đó là những nội dung Báo KH&ĐS tiếp tục phản ánh.