Nở rộ trường Y dược, hoa mắt với tên gọi
Theo ghi nhận từ trang thông tin quản lý của Sở GD&ĐT Hà Nội, trước khi bàn giao các trường Cao đẳng, Trung cấp về ngành LĐTBXH, thành phố có tất cả 48 trường trung cấp (không gồm các trường Trung cấp nghề). Trong đó, số trường Trung cấp có mã ngành Chăm sóc sức khỏe (Y dược) chiếm khoảng 1/4. Số liệu này không bao gồm các trường ở tỉnh ngoài nhưng có cơ sở đào tạo tại Hà Nội.
Có lẽ, ở thời điểm này, sinh viên có nhiều cơ hội chọn trường y dược tại Hà Nội và vô cùng dễ trúng tuyển. Đương nhiên, sự dễ dàng thái quá này cũng hàm nghĩa sẽ giúp người học trở thành “người tiêu dùng thông thái” để chọn được trường "Y dược" hợp với năng lực tự thân, để gửi gắm tương lai của mình.
Trường trung cấp Y dược Hà Nội báo địa chỉ tại huyện Thanh Trì, nhưng thực tế cơ sở đang thuê tại trung tâm dạy nghề Quận Tây Hồ. |
Vấn đề là, người học rất khó chọn được địa chỉ học tập vừa ý trong ma trận những tên gọi trường Trung cấp Y dược tại Hà Nội. Những tên gọi các trường cứ “na ná” nhau, tên hai trường có khi chỉ khác nhau một chữ, hoặc thêm hay bớt một từ. Cách đặt tên ấy, khiến người học không khỏi... hoa mắt.
Chẳng hạn như: Trường Trung cấp Y Hà Nội, Trường Trung cấp Y khoa Hà Nội, Trường Trung cấp Y tế Hà Nội, Trường Trung cấp Y Dược Hà Nội, Trường Trung cấp Dược Hà Nội, Trường Trung cấp Kỹ thuật Y Dược Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Dược Hà Nội, Trường Trung cấp Y Dược Bảo Long Hà Nội, Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác, Trường Trung cấp Y Dược Phạm Ngọc Thạch, Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội, Hệ Trung cấp trong Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông (Công lập), Hệ Trung cấp trong Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội (Công Lập)…
Cùng với đó, Hà Nội đang tồn tại khá nhiều trường "y dược" ngoại tỉnh đã và đang đặt cơ sở đào tạo tại thành phố. Chẳng hạn như Trường Trung cấp Y dược Trung ương, Trung cấp Y dược Hà Nam; Trường Trung cấp Công nghệ và Y tế Pasteur... Danh sách trên chưa cũng bao gồm các trường Trung cấp nghề có mã ngành Chăm sóc sức khỏe.
Câu hỏi đặt ra từ thực tế này là: Quy hoạch nhân lực nào cho hoạt động đào tạo tại các trường Trung cấp tại Thủ đô có mã ngành chăm sóc sức khỏe?
Có luật, còn “loạn” hơn
Đó là câu chuyện thời điểm trước khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, và các trường Cao đẳng, Trung cấp được chuyển về Ngành LĐTBXH. Nhưng sau khi được chuyển về ngành lao động, sự “loạn” này có dấu hiệu loạn hơn nữa.
Hàng loạt các tên trường y dược tiếp tục nở rộ từ các trường ngoài công lập. Như Cao đẳng Y dược Hà Nội, Cao đẳng Y Hà Nội, Cao đẳng Y Hà Nội I, Cao đẳng Dược Hà Nội, Cao đẳng Dược Hà Nội I (nay là Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh) Cao đẳng Y Hà Nội... chưa kể 2 trường công lập là Cao đẳng Y tế Hà Đông và Cao đảng Y tế Hà Nội. Bên cạnh đó là hàng loạt các trường cao đẳng đa ngành có mã ngành Chăm sóc sức khỏe như Cao Đẳng Công thương Hà Nội, Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội, Cao đẳng Asean, Cao đẳng Công nghệ Thương mại Hà Nội ...
Trong số những trường có tên gọi đầy “chất” Hà Nội này, không ít trường có "xuất xứ" từ cao đẳng nghề đa ngành ngoài công lập, và có trụ sở tại các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Bắc Ninh.... Thời điểm chuyển giao “tranh tối tranh sáng”, các trường này được chuyển đổi chủ sử hữu (mua lại trường), hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, căn cứ theo Luật giáo dục nghề nghiệp, và tranh thủ đổi tên luôn.
Khá nhiều các trường cao đẳng khác có xu hướng đặt tên chung chung như Cao đẳng y Dược Paster, Cao đẳng Công nghệ Y Dược Việt Nam. Cao đẳng Y dược Thăng Long, Cao đẳng Y dược Cộng Đồng...Và cũng đều có trụ sở tỉnh ngoài, nhưng đã kịp len lỏi vào “thị trường” tuyển sinh đào tạo tại Hà Nội. Bằng con đường "chính ngạch" cấp phép cơ sở đào tạo, hay thậm chí là đào tạo “chui” tại Hà Nội...
Đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành đào tạo có điều kiện. Bên cạnh những yêu cầu khắt khe về con người, thì những yêu cầu khác về cơ sở vật chất thực hành, thực tập cũng đặt ra cao hơn hẳn các ngành nghề khác.
Ở giai đoạn trước, các mã ngành chăm sóc sức khỏe thường chỉ có tại các trường công lập. Hệ thống ngoài công lập thường ít tham gia đào tạo các mã ngành này. Nguyên do chính là chi phí đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cao hơn hẳn thông thường và các yêu cầu khắt khe khi mở mã ngành của ngành y tế.
Trước tình hình khó khăn trong tuyển sinh đầu vào của các ngành Kinh tế, Kỹ thuật... và từ sự hứa hẹn của thị trường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, cộng với độ mở của hệ thống quy định, hàng loạt các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đã “nhảy” sang đầu tư vào mã ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe. Tính độc quyền đào tạo y dược vốn chỉ dành cho các cơ sở đào tạo công lập được đầu tư từ ngân sách, đã "tan chảy" trước nỗ lực của các trường ngoài công lập.
Trường Trung cấp Y Dược Cộng đồng Hà Nội cơ sở vật chất cũng đang đi thuê. |
Giai đoạn trước đây, đào tạo ngành chăm sóc sức khỏe chủ yếu tập chung ở các trường công lập, chỉ tiêu trong ngân sách thường thấp hơn các mã ngành khác, trong khi nhu cầu học tập của của sinh viên về mã ngành này khá nhiều.
Trong quá trình xin phép thành lập, các trường phải cam kết về lộ trình đảm bảo cơ sở vật chất... thường trong vòng 4-5 năm sau khi thành lập sẽ hoàn thành điều kiện theo quy định về đất đai và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Tuy vậy, số những trường Trung cấp Y dược tại Hà Nội đảm bảo đúng cam kết này là rất ít. Mà phần lớn các trường dù đã được nâng cấp từ Trung cấp lên cao đẳng, hay chuyển đổi từ Cao đẳng Đa ngành sang Cao đẳng Y dược, thì vẫn đang đi thuê địa điểm
Cho đến nay, đặc biệt là sau khi áp dụng Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH, UBND TP Hà Nội, Sở LĐTBXH TP Hà Nội đã yêu cầu, hay kiểm tra các trường trường thực hiện những cam kết về đất và cơ sở hạ tầng như nào... thì vẫn là ẩn số?
(còn nữa)