Ông Tiến đang dùng kéo tỉa cây cảnh.
Nổi tiếng nhờ… một ngón
Cách Hà Nội không xa, qua khu công nghiệp Đồng Văn của huyện Duy Tiên, hỏi thăm đến gia đình 1 ngón, bà bán nước, em học sinh hay bất cứ người dân nào ở Hà Nam đều biết đó là gia đình ông Nguyễn Hữu Tiến.
Chúng tôi vào nhà, ông Tiến ra đón khách một cách niềm nở và bảo: “Ngày nào gia đình tôi cũng có khách đến thăm. Họ một phần tò mò, một phần muốn tìm hiểu thực hư chuyện gia đình 1 ngón ra sao”.
Theo lời ông Tiến, gia đình ông không chỉ có mình ông mới mang khuyết tật một ngón. Mà một ngón không chỉ ở tay, mà cả chân nữa. Cộng cả 2 tay và 2 chân lại cũng chỉ được 4 ngón mà thôi.
Ông còn viết và dịch chữ Hán.
Ông Tiến cho hay, ông sinh năm 1939 trong một gia đình thuần nông nghèo đất chiêm trũng quanh năm ngập lụt chua phèn như huyện Duy Tiên. Bố mẹ ông sinh cả thảy được 6 người con, ông là con thứ ba. Em trai của ông là Nguyễn Văn Tuấn cũng chịu chung cảnh ngộ chỉ có một ngón.
“Thời bấy giờ cả làng cả xã, cả huyện cả tỉnh không ai bị căn bệnh lạ lùng như hai anh em tôi nên mọi người cũng kỳ thị gớm lắm. Người ta bảo, đó là do bị quả báo này nọ, bị trời phạt phải chịu kiếp chân tay thiếu ngón. Rồi có người lại bảo do ma quỷ làm ra, nói chung là không tốt đẹp gì. Nhưng tôi nghĩ, gia đình ông bà tôi ăn ở hiền lành phúc đức, chúng tôi lại chẳng may như thế lẽ nào lại do trời?”, ông Tiến tâm sự.
Và từ khi ông Tiến chào đời, ở Hà Nam người ta đã gọi gia đình ông là “gia đình một ngón” hay “gia đình chân chim”. Gọi là chân chim nhưng nếu quan sát kỹ nếu được như chân chim đã tốt biết bao vì mỗi chi của ông chỉ có chưa đầy 1 ngón rưỡi.
Bao nhiêu năm chịu điều ong tiếng ve của người đời, trong tâm trí ông cứ hi vọng đó chỉ là sự đột biến gen mà thôi. Ông nghĩ vậy, để hi vọng đời sau con cái mình không đứa nào chịu cảnh “một ngón” khốn khổ như mình. Nhưng bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu đêm cầu trời để rồi sau khi lấy vợ và sinh con, ông Tiến phải gục mặt với những đau buồn khi biết căn bệnh của mình là di truyền.
7 người con của ông thì hai người chịu cảnh một ngón như bố chúng. Không chỉ có thế, ông Tuấn, em trai của ông cũng lâm vào cảnh tương tự khi con cái đều một ngón như như vậy. Một thời gian sau, vợ ông Tiến qua đời vì bệnh tật. Mãi chục năm sau, ông Tiến mới dám đi bước nữa, một phần để có người gánh vác việc gia đình, phần nữa cho bản thân vốn đã đau khổ bớt đi những cô đơn sầu muộn. Người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Thỉnh cùng quê với ông.
Bà Thỉnh sinh được một người con nhưng không may mắn khi đứa con ấy cũng bị dị tật thiếu ngón như bố. Vậy là gia đình ông lại thêm một thành viên mới thiếu chi, dị tật một cách đáng sợ. Cũng chính vì thế, mà từ rất lâu rồi, gia đình ông Tiến luôn có những đoàn nghiên cứu cả trong nước và quốc tế đã đến để tìm hiểu, phân tích tìm nguyên nhân nhưng cho đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất kỳ một văn bản kết luận nào. Điều đó đồng nghĩa với căn bệnh kỳ quái mà gia đình ông phải chịu đi vào ngõ cụt và còn là một bí ẩn đối với y học.
Ông Tiến đang viết bài thơ tự sáng tác.
Một ngón nhưng làm được nhiều việc
Ngay từ lúc còn nhỏ, dù nhiều khi mặc cảm quái dị tật của mình, dù lúc nào bạn bè cũng gọi mình là “thằng một ngón”, nhưng ông Tiến đã phấn đấu vươn lên để khẳng định mình. Ngày nhỏ, thấy đám bạn chơi trò chơi, đi xe đạp, ông thèm thuồng muốn được như vậy nên quyết chí tập tành.
Với bàn tay, bàn chân thiếu ngón, việc cầm lái và giữ thăng bằng vô cùng khó khăn. Nhiều lần ngã xe trầy xước thân thể nhưng không lâu sau, ông đã thành công. Với người bình thường, việc đạp xe từ Hà Nam Vào khu vực miền Trung đã là khó khăn lắm nhưng ông Tiến đã nhiều lần đạp xe từ Hà Nam vào Thanh Hóa, Nghệ An để làm việc. Sau này, khi sắm được xe máy, ông cũng tập đi và thành công.
Ông Tiến còn quyết tâm đi học và đến năm 1963 ông thi và học ở Trường Trung cấp Ngoại ngữ (Hà Nội). Khi ra trường, ông làm nghề dạy học và sau này chuyển sang công tác tại Ngân hàng tỉnh Hà Nam.
Cậu bé Đạt, con ông Tiến cũng chịu cảnh “một ngón”.
Sợ chúng tôi không tin, ông Tiến vào lục tủ lôi ra một hộp đựng các văn bản, quyết định bổ nhiệm chức tước khi làm việc tại Ngân hàng. Ông Tiến còn bảo, ông viết chữ rất đẹp, không chỉ chữ ta mà còn chữ Hán. Ông còn kiêm nghề “viết thuê”. Tức là viết giấy khen, bằng khen cho các cơ quan và người dân địa phương khi có nhu cầu. Hiện tại, ông còn đi sưu tầm và dịch các câu đối, văn tự ở chùa chiền, các đền, miếu ở địa phương và vùng lân cận.
Cậu bé Nguyễn Văn Đạt, con trai út của ông cũng đã 13 tuổi và đang học cấp 2. Do trường cách xa nhà nên Đạt cũng đã tập đi xe và hàng ngày, cậu vẫn lọc cọc trên con xe cà tàng mà ông Tiến dùng để đi công tác ngày trước. Ấy vậy, mà năm nào Đạt cũng đạt học sinh giỏi hoặc tiên tiến, được thầy cô và bạn bè quý mến.
Nhắc đến Đạt, bà Thỉnh vợ ông Tiến mỉm cười cho hay: “Thằng Đạt được 2 cái giống bố nó, tứ chi một ngón và rất thông minh. Nó sẽ là “mầm sống”, là chỗ dựa của chúng tôi khi về già”.
“Tôi biết rằng, mình và gia đình đã chẳng may bị một dị tật kỳ lạ, nhưng dù kỳ lạ vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác. Tôi nghĩ, dù có thế nào, trong trường hợp nào… con người ta cũng phải luôn biết rằng, tạo hóa đã sinh ra ta, cho ta cơ thể. Ta hãy sống và làm việc sao cho xứng đáng. Dị tật về cơ thể thì còn nhẹ, còn chữa hoặc khắc phục được. Còn dị tật về tâm hồn thì coi như vô dụng”, ông Nguyễn Hữu Tiến tâm sự.
Trần Hòa