Tôi và chồng kết hôn 6 năm, có con gái 3 tuổi. Chồng tôi là người rất tính toán về mặt tiền bạc, trong nhà, anh là người cầm tiền, chồng kiểm soát tiền chặt chẽ. Chúng tôi làm cùng công ty, mọi khoản lương, thưởng của tôi anh đều biết và phải giao nộp toàn bộ cho chồng. Mỗi ngày đi chợ, mua bán gì tôi đều phải biên vào sổ, anh kiểm tra, đưa tiền chợ búa từng tuần một, nếu có định “khai gian” giá cả lên một chút là anh thắc mắc, phàn nàn ngay. Là người làm ra tiền mà tôi sống khốn khổ vì chồng kiểm soát tiền, không có một chút quyền nào với đồng tiền mình làm ra. Những khoản phát sinh như thăm hỏi ốm đau, chửa đẻ, váy áo… tôi đều phải ngửa tay xin chồng. Mẹ tôi hay ốm đau, tôi thi thoảng muốn biếu bà ít tiền, hoặc mua quà bánh cũng khó. Nhiều lần, tôi phản đối, muốn tự chủ kinh tế, nhưng chồng không đồng ý, vợ chồng cãi vã rất căng thẳng. Tôi nên làm gì để thoát khỏi cảnh này?
Nguyễn Lan Anh (Nông Cống, Thanh Hóa)
Ảnh minh họa
Lan Anh thân, một cuộc hôn nhân hạnh phúc cần được xây dựng trên nền móng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, trong đó có cả về quyền lợi kinh tế. Việc kiểm soát quá đáng của chồng chị đối với việc chi tiêu trong gia đình, nhất là với tiền lương của chị cho thấy anh ấy là người độc đoán, gia trưởng, và thiếu đi sự bình đẳng cũng như tôn trọng người bạn đời. Chị nói, chị nhiều lần phản đối nhưng không thành công, theo Tri Giao, có lẽ, cách đấu tranh và thuyết phục của chị chưa đủ mạnh. Ví dụ, căn cứ vào thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng, chị có quyền yêu cầu chồng cùng chị tính toán các khoản chi tiêu như tiền sinh hoạt gia đình, tiền phát sinh, tiền phụng dưỡng bố mẹ đôi bên… số dư còn lại thì cùng thống nhất phương thức tiết kiệm, như gửi ngân hàng, hoặc đầu tư… Khi đã có con số nhất định, thì việc ai giữ tiền không quan trọng, mà cùng phải có nghĩa vụ cho việc chi tiêu chung. Và điều quan trọng, là chị cần kiên quyết, dứt khoát không thỏa hiệp, cam chịu nữa.
Tri Giao