Khởi trị Insulin sớm cho bệnh nhân đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Trong điều trị đái tháo đường (ĐTĐ), phương pháp tiêm insulin (một loại hormon giúp cơ thể sử dụng hoặc dự trữ glucose có được từ thức ăn) là một biện pháp giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và do đó giúp ngăn chặn biến chứng của ĐTĐ.

Trì hoãn điều trị gia tăng biến chứng

Ở Việt Nam, nghiên cứu năm 2012 của BV Nội tiết TƯ cho thấy, tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5.4%, tăng nhanh gần 200% trong vòng hơn 10 năm. Tỷ lệ đái tháo đường chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63%, tức là hơn 50% số người bị bệnh ĐTĐ chưa được chẩn đoán. TS.BS Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết, BV Chợ Rẫy cho biết, ngay với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh thì việc điều trị chưa đạt mục tiêu vẫn còn phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác trên thế giới với khoảng hơn 50% bệnh nhân chưa đạt mục tiêu HbA1c < 7% (chỉ số để xem xét một người đang kiểm soát bệnh đái tháo đường của mình như thế nào).

Tại Việt Nam, số bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 chưa đạt được mục tiêu này chiếm tới gần 70%. Nguyên nhân chủ yếu của sự bùng nổ bệnh là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý của lối sống xã hội hiện đại bên cạnh các yếu tố về di truyền. Bệnh ĐTĐ tuýp 2 đang có xu hướng tăng và đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng với các biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi. Việc kiểm soát đường huyết sớm và tích cực đóng vai trò rất quan trọng để kiểm soát lâu dài các biến chứng này. Trì hoãn điều trị tích cực từ sớm sẽ dẫn đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy tim cùng các biến chứng khác.

Theo các nghiên cứu, đối với bệnh nhân  ĐTĐ châu Á bao gồm cả Việt Nam, sự giảm tiết insulin xảy ra vào giai đoạn sớm, ngay cả trước khi khởi phát ĐTĐ, đặc trưng bởi rối loạn chức năng tế bào β chứ không phải sự đề kháng insulin do thừa cân béo phì. Tại thời điểm chẩn đoán bệnh ĐTĐ, đôi khi chức năng tụy chỉ còn 50% so với bình thường, nếu được phát hiện sau 6 năm, chức năng tế bào β tụy chỉ còn 28% và tỷ lệ suy giảm chức năng của tế bào beta không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống cũng như điều trị bằng thuốc viên uống. Việc khởi trị với insulin sẽ có lợi cho bệnh nhân ĐTĐ châu Á với đặc điểm chức năng tế bào beta kém, giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả, tích cực từ sớm.

Giải pháp khi sử dụng insulin gặp tác dụng phụ

TS. BS. Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết BV ĐH Y dược TP. HCM cho biết, hiện nay nhiều bệnh nhân mặc dù được điều trị bằng insulin nhưng nguy cơ hạ đường huyết, tăng cân nhiều, phải tiêm insulin vào nhiều thời điểm trong ngày, cách sử dụng và bảo quản phức tạp, gặp tác dụng phụ hạ đường huyết…, nhiều bệnh nhân ngại khi phải điều trị tích cực bằng insulin.

Tại hội thảo “Bước cải tiến đột phá cho khởi trị insulin tại Việt Nam” đã giới thiệu một loại insulin nền thế hệ mới, tác dụng kéo dài và ít nguy cơ hạ đường huyết hơn insulin cũ. Đây được xem như một giải pháp giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát đường huyết qua việc giảm tác dụng phụ hạ đường huyết, ít gây tăng cân, chỉ cần tiêm 1 lần trong ngày với lịch tiêm linh hoạt hơn, giúp bệnh nhân đái tháo đường có thể đat được mục tiêu điều trị sau khi chỉnh liều hợp lý. Liệu pháp điều trị mới này giúp các bác sĩ có thêm lựa chọn để tối ưu hóa việc kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân.

Theo TS. BS. Trần Quang Nam, khởi trị với insulin nền là một trong các bước điều trị được đề cập trong các khuyến cáo về điều trị đái tháo đường như khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), khuyến cáo của Hội Đái tháo đường Việt Nam do tính an toàn bên cạnh hiệu quả điều trị… Hiện nay, nhiều loại insulin nền tiên tiến ra đời được kỳ vọng giúp giảm nhiều hơn nữa những nỗi lo về tính an toàn, sự phức tạp trong sử dụng của bệnh nhân, giúp tăng cường hiệu quả kiểm soát đường huyết.

Theo Đời sống
back to top