Khát vọng hóa rồng

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA khẳng định, những “điểm sáng” đối ngoại trong năm 2023 giúp Việt Nam nâng tầm, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - an ninh trong khu vực và thế giới.
Nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) trao đổi với Báo Tri thức và Cuộc sống về những thành tựu của năm 2023, đồng thời thể hiện niềm tin đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm mới, trên nền tảng thúc đẩy khoa học và công nghệ (KH&CN) và sự dấn thân, cống hiến của đội ngũ trí thức nước nhà.
Khat vong hoa rong

TSKH Phan Xuân Dũng chia sẻ, ông có niềm tin vững chắc rằng đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm mới, trên nền tảng thúc đẩy KH&CN và sự dấn thân, cống hiến của đội ngũ trí thức nước nhà.

Ảnh: Đức Thuận.

Đối ngoại nâng tầm vị thế Việt Nam
- Thưa TSKH Phan Xuân Dũng, 2023 được cho là năm rất thành công của ngoại giao Việt Nam, đưa thế và vận nước ta lên thấy rõ. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Trong bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, kinh tế chậm phục hồi và còn nhiều khó khăn, thách thức, nhu cầu thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, đa dạng, có trách nhiệm, góp phần tăng cường quan hệ quốc tế là một tất yếu. Trong năm qua, Việt Nam đã làm rất tốt việc này, là “điểm sáng” trong bức tranh phát triển tổng thể của đất nước.
Ngày 12-13/12/2023, ông Tập Cận Bình - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa - thăm nước ta. Hai bên nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai.
Trước đó 3 tháng, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ngày 10-11/9/2023, hai quốc gia xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược trở lên với 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, ngoài những chuyến thăm lịch sử như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden..., lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đã có 45 chuyến công du các nước và gần 50 chuyến thăm là của lãnh đạo các nước, tính từ năm 2021.
Những hoạt động trên đã tạo nên bước phát triển mới về chất trong đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.
Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, có trọng trách quốc tế quan trọng, nhất là trong ASEAN và Liên Hợp Quốc như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban Di sản thế giới, Ủy ban Luật pháp Quốc tế…
Cùng đó, Việt Nam đóng góp tích cực vào các vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu, cắt giảm khí thải, cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo cho các quốc gia chịu thiên tai, xung đột...
Khat vong hoa rong-Hinh-2
Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: MOFA/VietNamPlus.
Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh về Việt Nam - một quốc gia độc lập, tự chủ, phát triển năng động, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm - lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay. Điều này rất đúng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng ngoại giao phải luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ; độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền đoàn kết và hợp tác quốc tế. Theo đó, Việt Nam sẵn sàng là bạn với các nước trên thế giới.
- Với những thành tựu nổi bật, “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Ông nhìn nhận thế nào về “Ngoại giao cây tre” của nước ta, nhất là trong bối cảnh thế giới đa phương, đa cực, có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường ngày nay?
Trên “mặt trận” ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, lấy cái không thể thay đổi làm cốt lõi để ứng phó với muôn sự thay đổi; giữ vững tính nguyên tắc, kiên định, vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, uyển chuyển của sách lược cách mạng. Trong đó, “Dĩ bất biến” chính là độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, quyền lợi của quốc gia, dân tộc.
Phương pháp ngoại giao của Hồ Chí Minh còn thể hiện ở truyền thống yêu hòa bình của dân tộc ta, nỗ lực giải quyết bất đồng bằng phương cách hòa bình.
Kế thừa và phát huy tư tưởng đó, gần 40 năm đổi mới vừa qua, Đảng ta đã phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "Cây tre Việt Nam".
Đó là kiên định về nguyên tắc, uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12/2021, chúng ta đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của trường phái đối ngoại, ngoại giao "Cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Nói về cây tre, chúng ta đều thấy, ngoài sự mềm dẻo, bền bỉ, dai dẳng, loài cây gắn với văn hoá làng xã, còn có sức mạnh của tập thể: “Bão bùng thân bọc lấy thân / Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm / Thương nhau tre không ở riêng / Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người” - trích “Tre Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy.
Một cây tre khi đứng riêng dẻo dai hơn so với những loại cây khác. Khi là tập thể, một bụi tre, lũy tre lại có sức mạnh lớn, chặt chẽ và vững chắc vô cùng. Đó chính là tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, là văn hoá của người Việt, hướng tới hòa bình, hợp tác, cùng phát triển. Điều này rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh thế giới đa phương, đa cực, tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường hiện nay.
Có ý kiến cho rằng, “Ngoại giao cây tre” khiến chúng ta chưa rõ ràng về quan điểm. Tôi khẳng định, nói như vậy không đúng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần phát biểu rằng, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa. Đó cũng là biểu thị cho "Ngoại giao cây tre". Chúng ta chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải, chọn lợi ích quốc gia - dân tộc.
Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa qua nêu rõ, chúng ta không chọn theo đuổi lợi ích quốc gia - dân tộc một chiều, cực đoan. Chúng ta đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là cao nhất trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế; trên cơ sở bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Đó là những điều kiện rõ ràng.
Có thể khẳng định, năm 2023, Việt Nam đã có những hoạt động ngoại giao cân bằng và khách quan, hiệu quả với các nước ở mọi quy mô, cả phát triển lẫn đang phát triển. Lập trường của Việt Nam rất rõ ràng, minh bạch, thiện chí, hợp tác, cùng phát triển.
Mở rộng hợp tác KH&CN, thúc đẩy kinh tế
Các chuyên gia đánh giá việc tăng cường quan hệ ngoại giao với các cường quốc giúp Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực mới, cũng như trao đổi văn hóa, nguồn nhân lực. Đây rõ ràng là cơ hội và cả thách thức trong quá trình thực hiện khát vọng “sánh vai với các cường quốc 5 châu”, thưa ông?
Nhìn lại năm 2023 sôi động, các chuyên gia nhấn mạnh những sự kiện Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ (tháng 9) và Nhật Bản (tháng 11), cùng các khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã được xác lập trước đó với Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc.
Có thể thấy, việc tăng cường quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản giúp chúng ta thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực mới.
Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa hai nước Việt - Mỹ khẳng định tăng cường quan hệ đối tác để củng cố hệ sinh thái bán dẫn và hợp tác cung cấp nguyên liệu đất hiếm được sử dụng trong điện thoại thông minh và pin xe điện, đặt nền móng để Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.

Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ với 193 nước, trong đó có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia, là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, cũng như đã ký 16 hiệp định thương mại tự do.
Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược trở lên với 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, nền kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh, đồng thời cũng tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi năng lượng và chăm sóc sức khỏe.
Giữa tháng 12/2023, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA, Mỹ - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD - đến Việt Nam. Tập đoàn có hơn 27.000 nhân viên, đạt doanh thu 27 tỷ USD trong năm tài chính 2023 muốn lập cứ điểm tại Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế.
Đầu tháng 12/2023, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của nước này, như Intel, Qualcom, Ampere, ARM… sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Đó là minh chứng rõ nét cho thấy chúng ta đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn trên thế giới, đặc biệt là tập đoàn của Mỹ như Intel, Amkor ở mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qovor, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong cung cấp công cụ thiết kế chip…
Quan hệ với Nhật Bản, chúng ta có cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế, trao đổi nguồn nhân lực, chống biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải và chuyển giao công nghệ.
Đối với Hàn Quốc, 2023 là năm đầu tiên 2 nước triển khai thực hiện Đối tác Chiến lược Toàn diện, bao gồm tăng cường hợp tác ngoại giao và an ninh, mở rộng trao đổi thương mại, tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng và mở rộng viện trợ của Hàn Quốc cho Việt Nam. Hai nước đã ký kết 17 hiệp định và Biên bản ghi nhớ.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Hàn - Việt diễn ra tháng 6/2023 nhân chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Việt Nam, 111 Biên bản ghi nhớ đã được ký kết, gồm các lĩnh vực thương mại, khoa học, công nghệ. Một trong những thành tựu nổi bật là thiết lập nền tảng hợp tác hướng tới tương lai giữa các công ty và tổ chức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, xe điện, công nghiệp công nghệ cao và năng lượng.
Nhìn nhận một cách thực tế và khách quan sẽ thấy, những hợp tác trên tác động rất lớn đến nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao tương lai không xa.
Trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới phức tạp, Việt Nam tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghệ. Tập đoàn Samsung đầu tư 19 tỷ USD, gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Apple và nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác như Google, Dell, Amazon cũng đang thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đây sẽ là những cơ sở để phát triển ngành công nghệ bán dẫn trong nước.
Chúng ta phải chuẩn bị như thế nào, đặc biệt liên quan KH&CN, để nắm bắt thời cơ hợp tác, hiện thực hóa “khát vọng hoá rồng” trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế, thưa ông?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"; "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Con người luôn là nhân tố quyết định. Chúng ta cần có sự chuẩn bị dài hơi về chính sách, đào tạo nguồn nhân lực...
Trong đó, vai trò của đội ngũ tri thức KH&CN nước nhà nói chung, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội - VUSTA) nói riêng, rất quan trọng, mang tính tiên phong.
Năm 2023, các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng trong bối cảnh mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Liên hiệp Hội tiếp tục thực hiện các chương trình phối hợp công tác với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021 - 2030; Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội giai đoạn 2021 - 2026; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội giai đoạn 2021 - 2026, huy động sự tham gia của các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc.
Các hoạt động khác như củng cố bộ máy nhân sự, chấn chỉnh hoạt động, rà soát cơ cấu tổ chức, hoàn thiện quy trình kiện toàn bộ máy của nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc… cũng được thực hiện.
Tháng 10/2023, hội nghị lấy ý kiến của trí thức KH&CN trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo và trực tiếp tham gia chủ trì của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Đây là lần đầu tiên Liên hiệp Hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về những vấn đề mà đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam quan tâm để tổng hợp, gửi báo cáo tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp của Quốc hội.
Chúng tôi cũng góp ý vào các văn bản liên quan KH&CN do Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị, phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - Industrie 4.0 Awards (viết tắt I 4.0 awards) trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số và Tự động hóa thúc đẩy phát triển kinh tế số”…
Liên hiệp Hội cũng duy trì và tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế, nhất là tổ chức uy tín, để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, huy động thêm nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hầu hết tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội có đội ngũ cán bộ quản lý là các nhà khoa học, trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cũng như ứng dụng tri thức khoa học, công nghệ.
Bên cạnh nhân tố con người, một việc quan trọng khác là tập trung hợp tác đầu tư hạ tầng, xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, tính toán hiệu năng cao và các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam.
“Khát vọng hóa rồng” đòi hỏi sự quyết tâm và những nỗ lực mới trong khoảng 2 thập kỷ tới, trong đó vai trò của KH&CN rất quan trọng, được đánh giá là hạt nhân để “rồng” cất cánh.
Kinh tế số, kinh tế sáng tạo, chia sẻ là xu thế phát triển tất yếu. Nền kinh tế dựa vào tài nguyên và nhân công giá rẻ sẽ không còn là lợi thế. Đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Vì thế, trong năm 2024, Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định triển khai Diễn đàn khoa học của trí thức, sau khi tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2014.
Mục đích không gì khác là hướng tới thúc đẩy phát triển KH&CN trong nước, đưa kinh tế nói riêng và Việt Nam nói chung tận dụng tốt cơ hội hợp tác quốc tế để “Thành công, thành công, đại thành công”.
Xin trân trọng cảm ơn TSKH Phan Xuân Dũng!


Theo Đời sống
Không để chậm trễ khắc phục sạt lở sau bão lũ

Không để chậm trễ khắc phục sạt lở sau bão lũ

Không chỉ riêng Yên Bái mà các tỉnh thành khác bị ảnh hưởng cơn bão số 3 cần khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ một cách nhanh, gọn, hiệu quả nhất có thể để sớm ổn định đời sống của người dân.
back to top