Học sinh được giáo dục đạo đức sẽ biết cách ứng xử đúng mực

Tại Hội thảo "Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông - Thực trạng và giải pháp", một số ý kiến cho rằng, giáo dục đạo đức cho học sinh hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.
Ngày 25/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Hợp tác phát triển giáo dục tổ chức Hội thảo "Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông - Thực trạng và giải pháp".
Hoc sinh duoc giao duc dao duc se biet cach ung xu dung muc
Hội thảo "Giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông - Thực trạng và giải pháp". Ảnh: Mai Loan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao nhấn mạnh, đạo đức là nền tảng để phát triển năng lực và các phẩm chất khác của nhân cách. Thực tiễn giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhiều năm gần đây đang là vấn đề được toàn ngành giáo dục và cả xã hội quan tâm.
Các vụ việc vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật khiến cho dư luận xã hội hết sức lo lắng, bức xúc với tình trạng xuống cấp, suy thoái đạo đức của học sinh. Trong các nhà trường phổ thông hiện nay thường chú trọng dạy văn hóa mà chưa coi trọng đúng mức về giáo dục đạo đức.
Hoc sinh duoc giao duc dao duc se biet cach ung xu dung muc-Hinh-2
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phạm Quang Thao. Ảnh: Mai Loan.
Trước thực tế đó, hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về giáo dục, từ đó đề ra những giải pháp ngăn chặn nguy cơ dẫn đến suy thoái đạo đức của học sinh cũng như những kiến nghị đối với cơ quan chức năng về cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, giáo dục để ngăn chặn nguy cơ dẫn đến suy thoái đạo đức của học sinh.
Tiến tới cấm hẳn việc mang điện thoại tới trường
PGS.TS Phạm Viết Vượng (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh như đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi; do nguyên nhân từ phía gia đình; sự phát triển của Internet, mạng xã hội; do cơ chế thị trường, toàn cầu hóa...
Hoc sinh duoc giao duc dao duc se biet cach ung xu dung muc-Hinh-3
PGS.TS Phạm Viết Vượng. Ảnh: Mai Loan.
Qua các công trình nghiên cứu, các báo cáo của nhà trường, địa phương cũng như tổng kết hàng năm của ngành giáo dục cho thấy học sinh Việt Nam có nhiều phẩm chất quý báu cần được giáo dục phát huy.
Nhiều học sinh có ý thức rèn luyện, phấn đấu, đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Nhiều học sinh vùng khó khăn, thiếu thốn nhưng biết vượt nghèo, học giỏi. Nhiều học sinh tình nguyện cõng bạn tật nguyền đến trường không quản ngại mưa nắng hay dũng cảm cứu bạn bị đuối nước...
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ học sinh phổ thông có những hành vi lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống như: Nói năng thiếu lễ độ, đánh nhau, bạo lực học đường, thích đua đòi, ăn diện, vi phạm pháp luật...
Để giáo dục đạo đức cho học sinh, PGS.TS Phạm Viết Vượng cho rằng, ngành giáo dục nên biên soạn các tài liệu về giáo dục gia đình, đạo đức, lối sống truyền thống và hiện đại của thế giới văn minh cho học sinh và phụ huynh tham khảo.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Khoa học và thực tiễn đều khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tốt nhất là thông qua giảng dạy các môn khoa học nhằm nâng cao năng lực nhận thức và tư duy độc lập cho các em. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội, đạo đức, giáo dục công dân, lịch sử…
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng giáo dục, xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội để phối hợp giải quyết các tình huống có thể xảy ra đối với học sinh.
Đặc biệt, theo PGS.TS Phạm Viết Vượng, nên quy định hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, tiến tới cấm hẳn việc mang điện thoại tới trường.
“Qua mạng xã hội, việc kết nối thông tin với bạn bè rất nhanh, kẻ xấu thường lợi dụng lợi thế này để lôi kéo, dụ dỗ học sinh tham gia các hoạt động không lành mạnh. Ngoài ra, thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, nhiều thông tin phản khoa học, các em không phân biệt được đúng sai nên có ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, đạo đức và lối sống”, PGS.TS Phạm Viêt Vượng phân tích.
Gia đình là môi trường giáo dục nhân cách đầu tiên, quan trọng nhất
PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục cho rằng, giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho các em. Giáo dục đạo đức giúp học sinh hiểu và thấm nhuần các giá trị đạo đức, từ đó xây dựng nhân cách và lối sống lành mạnh.
Học sinh được giáo dục đạo đức sẽ biết cách ứng xử đúng mực trong các tình huống khác nhau, từ đó phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Điều này rất quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội và làm việc hiệu quả trong cộng đồng. Đồng thời, giáo dục đạo đức giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực như bạo lực học đường, gian lận… Như vậy, giáo dục đạo đức từ sớm giúp các em trở thành những công dân tốt, có ý thức trách nhiệm với xã hội và đất nước.
Theo PGS. TS. Tô Bá Trượng, những năm gần đây, tình hình suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông đang có xu hướng gia tăng, nhiều vụ vi phạm có tính nghiêm trọng, có xu hướng biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, lối sống. Tình trạng học sinh xúc phạm giáo viên đã diễn ra ở một số địa phương.
Chỉ ra các nguyên nhân, ông Tô Bá Trượng cho rằng, có nguyên nhân từ chương trình sách giáo khoa trong nhà trường.
“Chương trình giáo dục hiện nay chưa đủ tập trung vào việc giáo dục đạo đức. Các môn học về đạo đức, giáo dục công dân cần được chú trọng và thực hiện một cách hiệu quả hơn”, ông Trượng nói.
Theo ông Trượng, nhà trường có vai trò rất lớn trong việc giáo dục học sinh, ngăn ngừa sự suy thoái đạo đức, lối sống.
Tuy nhiên, gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách và đạo đức của học sinh. Gia đình cần gương mẫu, dành thời gian chất lượng cho con. Hỗ trợ con trong việc học tập. Truyền đạt cho con những giá trị sống.
“Khi có mâu thuẫn gia đình, hãy giải quyết xung đột một cách xây dựng và tích cực, thay vì nổi giận hoặc dùng bạo lực. Trẻ em sẽ học cách giải quyết vấn đề một cách ôn hòa và hiệu quả từ việc quan sát cha mẹ xử lý tình huống”, ông Trượng cho hay.
Theo Đời sống
back to top