Những nguy cơ phải đối mặt
Theo chuyên gia vật lý trị liệu Vivian Eisenstadt, Trung tâm trị liệu Vivie tại Los Angeles (Mỹ), thời tiết lạnh cũng khiến cơ bắp bị mất nhiều nhiệt và dễ bị co lại, gây đau thắt khắp cơ thể. Các khớp cũng co lại, chặt hơn, các cơ chuyển động kém linh hoạt và dây thần kinh có thể dễ dàng bị siết chặt.
Do ảnh hưởng của nhiệt độ lạnh hơn, các cơ bắp bị buộc phải làm việc nhiều hơn để hoàn thành cùng một nhiệm vụ mà chúng có thể hoàn thành một cách dễ dàng trong thời tiết ôn hòa. Điều này gây ra nhiều thiệt hại cho các mô cơ và có thể dẫn đến tăng đau nhức.
BS Đào Bá Vy, nguyên trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện 354, cũng đồng quan điểm khi cho rằng điều kiện thời tiết khi tập luyện là điều mà người tập cần đặc biệt chú ý để đạt được hiệu quả luyện tập và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.
Ví dụ việc tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng rất nên được khuyến khích, bởi buổi sáng không khí trong lành, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, rất có lợi cho sức khỏe; tuy nhiên, tập thể dục ngoài trời quá sớm, nhất là trong mùa lạnh, sương sớm có thể khiến người tập dễ bị nhiễm lạnh, khiến cơ thể mất nhiệt, đau đầu, chóng mặt, thậm chí dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Đặc biệt với người già, người có bệnh huyết áp, tim mạch, khi ra ngoài tập thể dục vào buổi sớm lạnh có thể phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ do tiếp xúc với gió lạnh đột ngột.
Tuân thủ các nguyên tắc thể dục sớm
Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam, cho rằng nếu muốn tập thể dục lúc sáng sớm, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa này khi sáng sớm khá lạnh và nhiều sương, thì ngay khi tỉnh giấc hãy tập vài động tác thư giãn trên giường, giúp căng duỗi các cơ, để cơ thể chuyển dần từ trạng thái nghỉ sang tỉnh hẳn, và sẵn sàng cho việc vận động.
Để chống lại những tổn thương do tập luyện vào mùa lạnh, cách tốt nhất là hãy khởi động, làm nóng cơ thể lâu hơn bình thường một chút. “Cũng là bình thường khi cảm thấy đau nhức cơ bắp trong một vài ngày sau khi tập thể dục, đặc biệt là khi thay đổi các hoạt động khác nhau hoặc tập ở cường độ mạnh hơn so với điều kiện cơ thể của bạn thường được sử dụng”, theo bà Amy McDowell, chuyên gia vật lý trị liệu tại Trung tâm Vật lý trị liệu ARC ở Chicago (Mỹ).
“Nhưng nếu bạn cảm thấy đau khi tập luyện vào mùa lạnh với cùng một mức độ tập thể dục như bình thường bạn vẫn tập, thì có thể là cơ thể bạn cần một thời gian khởi động lâu hơn”. Hãy thử bắt đầu tập luyện với các bài tập cardio nhẹ, như đi bộ nhanh.
Điều này sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể, giúp oxy và máu dễ dàng lưu thông khắp cơ thể, sẵn sàng cho bài tập. Cuối buổi tập, bạn cũng nên có thời gian giãn cơ và thả lỏng cơ thể tương đương với thời gian khởi động ban đầu, chú ý kéo dãn cơ các vùng lưng, cánh tay và bắp chân. Điều này sẽ ngăn ngừa đau nhức cơ bắp và nâng cao hiệu suất tổng thể của việc tập luyện trong suốt mùa đông.
Sau khi tập nên chú ý thay áo trong nếu bị thấm ướt mồ hôi. Cũng cần tránh suy nghĩ sai lầm cho rằng khi tập xong ra mồ hôi lạnh thì có thể tắm nước thật nóng để làm ấm cơ thể. Thực tế, cơ thể sẽ không thích nghi kịp với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ như vậy, các lỗ chân lông giãn nở ra chưa kịp khít lại đã tắm luôn khiến cho nước dễ ngấm vào cơ thể, gây cảm, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tình trạng giãn mạch, là một trong các nguyên nhân gây đứt, vỡ mạch máu, đột quỵ,…
Mùa đông nhiều người thường bỏ tập vì lý do lạnh, dễ đau cơ,… Để không từ bỏ việc tập thể dục vào mùa đông, hãy thay đổi cách tập, cảm nhận và xem xét cách nào là tốt nhất với mình trong mùa lạnh. Cố gắng duy trì thói quen luyện tập đều đặn sẽ giúp cho cơ thể dẻo dai, vận động linh hoạt hơn, đồng thời sức khỏe cũng được cải thiện tốt hơn. (Chuyên gia vật lý trị liệu Vivian Eisenstadt)
Đức Anh