Không chỉ là quyền lợi thí sinh, mà còn là vị thế đất nước trên trường quốc tế
Ngày 5/5, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan về quyết định sẽ không tổ chức thi chọn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trao đổi với PV KH&ĐS về quyết định này của Bộ GD&ĐT, ông Hồ Đắc Phương, giáo viên phụ trách đội tuyển Tin của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ cảm thấy rất “kỳ lạ”.
Bởi hiện tại, học sinh đã đi học trở lại, dịch bệnh tạm thời được kiểm soát; các biện pháp giãn cách được nới lỏng... Trong lúc dịch bệnh cao điểm Bộ đã không hủy, giờ không hiểu vì lý do gì lại hủy?
Theo ông Phương, năm 1974, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, vậy mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và GS Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vẫn cử đoàn Việt Nam tham dự IMO. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự một cuộc thi trí tuệ ở tầm quốc tế và đã đem về kết quả chói lọi với 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Những năm chiến tranh khó khăn còn làm được như vậy, lẽ nào giờ thời bình lại không thể?
Hơn nữa, Việt Nam giờ đã trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế. Những nước có dịch như Singapore và Nga đều công bố sẵn sàng tổ chức thi. Vậy mà Việt Nam lại dừng, thì thế giới, và nhân dân sẽ đánh giá như thế nào?
Niềm vui của đội tuyển Olympic Toán quốc tế 2019 khi giành 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, đem vinh quang về cho Tổ quốc. |
“Không chỉ là vấn đề quyền lợi của học sinh, mà còn là danh dự, là vị thế đất nước trên trường quốc tế. Với những hoạt động đa phương, Việt Nam cần sẵn sàng tham gia, thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, ông Phương nói.
Ông Phương cho rằng, năm nay, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể tham dự được kỳ thi này, có thể với nhiều cách thức, vẫn đảm bảo an toàn.
Cụ thể, đối với môn thi Tin học châu Á, mỗi nước được phép cử 100 người đi thi. Trong khi đó, danh sách để thi chọn đội tuyển của Việt Nam đang là 37 học sinh. Trong trường hợp thi online tại Việt Nam, ông Phương đã đề nghị, kể cả Bộ GD&ĐT không tổ chức thi vòng 2, lấy cả 37 học sinh tham dự thì không thể nói là không tổ chức được.
Vấn đề ở đây là sự cố gắng, dũng cảm, dám làm, dám vượt qua thử thách, tận dụng thời cơ như tinh thần Tổng bí thư chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo. Kể cả không có huy chương cũng không sao.
Bởi đã là cuộc thi thì không bao giờ có thể luôn chắc chắn được rằng mình sẽ có thành tích cao.
Hơn nữa, bản chất - ngay qua tên gọi - của kỳ thi Olympic là tinh thần fairplay, là sự phấn đấu vượt qua chính bản thân mình. Khi sẵn sàng tham gia - ngay cả trong lúc khó khăn, thì đó đã chính là tinh thần Olympic.
Khí chất, tinh thần quan trọng hơn cả kết quả. Cũng giống như bóng đá, vẫn có trận thua, nhưng U23 Việt Nam vẫn có thể ngẩng đầu. Và tinh thần dũng cảm, dám làm, dám vượt thách thức khó khăn này phải được trao truyền cho thế hệ học sinh.
Đặc biệt, điều khiến ông Phương lo lắng nhất, đó là nếu như Bộ GD&ĐT không có sự chuẩn bị trước, đến khi vì một lý do nào đó mà có quyết định “đảo ngược”, lại thi ngay, thì lúc đó rất cập rập, dễ “vỡ trận”.
“Cho nên, tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT phải chủ động, chứ không trông chờ hết dịch bệnh mới làm. Vì không biết đến bao giờ mới hết dịch. Tôi đã gửi thư riêng tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này, nhưng vẫn chưa có hồi âm chính thức”, ông Phương chia sẻ.
"Có thể so sánh ý nghĩa và vai trò của các kỳ thi Olympic quốc tế đối với giáo dục phổ thông nói chung tương tự ý nghĩa và vai trò của thể thao thành tích đối với thể thao phong trào vì sức khoẻ nhân dân. Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tuy nhiên, những tấm gương như Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu... cũng góp phần rất quan trọng thúc đẩy phong trào học tập.
Cho nên, tôi cho rằng, nếu Ban tổ chức các kỳ thi Olympic quốc tế tìm được thời gian và phương thức thích hợp để tổ chức thi thì Việt Nam vẫn nên cử đoàn học sinh tham gia. Còn phương thức chọn đội tuyển như thế nào thì có thể trao đổi, tìm giải pháp để đảm bảo an toàn và phù hợp với kế hoạch, nhiệm vụ năm học", PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam.
Phong trào thi Olympic dễ đi xuống ở những năm sau
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu, TPHCM cho rằng, trong hoàn cảnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 như hiện nay, sẽ không hy vọng có một giải pháp chung cho tất cả các môn. Bộ GD&ĐT nên cân nhắc từng môn để xem xét trên tinh thần giữ lại cuộc thi cho các học sinh,
"Bởi vì các em đã đi một chặng đường dài, Ban Tổ chức các cuộc thi cũng đã có phương án điều chỉnh, nay chúng ta lại hủy không tham dự thì thực sự rất tiếc cho các em", ông Dũng nói.
TS Trần Nam Dũng và học trò Vũ Đức Vinh trong chuyến tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2019. |
Đồng quan điểm cho rằng nên giữ lại việc tham dự kỳ thi, thầy giáo Nguyễn Thế Hùng, Tổ phó chuyên môn Tổ toán tin, Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng cho biết, việc duy trì kỳ thi an toàn, đúng quy chế là cần thiết để khuấy phong trào, đảm bảo vị thể của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra, không tham dự kỳ thi là không thỏa đáng với các học sinh. Ví dụ, với Bộ môn Tin học, đã có 5 thí sinh lớp 11 năm ngoái dự thi Olympic Tin học châu Á, quốc tế, theo quy chế thì được vào thẳng vòng 2 năm nay.
Trong suốt một năm vừa qua, các em đều cố gắng, nỗ lực để chuẩn bị cho kỳ thi này. Nên khi nhận thông tin hủy kỳ thi, các em đã rất sốc.
“Nhưng còn một vấn đề nữa mà tôi chưa dám thông báo với thí sinh, đó là hằng năm, đối với tất cả các thí sinh được vào vòng 2 thì được miễn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, năm nay, với việc hủy không chọn đội tuyển thì không biết các em được đặc cách vào vòng 2 có được miễn thi tốt nghiệp hay không. Hiện tại, chưa có một văn bản chính thức nào về việc này”, ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, điều này còn sẽ ảnh hưởng tới phong trào Olympic chung cho cả những năm sau. Ví dụ, với học sinh lớp 11 sẽ có suy nghĩ, có thể sang năm Bộ cũng sẽ tiếp tục bỏ kỳ thi và không được miễn thi tốt nghiệp. Từ đó, các em sẽ không "mặn mà" với việc học đội tuyển nữa và phong trào thi Olympic sẽ đi xuống.
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, một lãnh đạo trường chuyên chia sẻ, hẳn Bộ GD&ĐT cũng đã có những cân nhắc và những khó khăn khi quyết định hủy chọn đội tuyển tham dự Olympic.
Tuy nhiên, làm như vậy là Bộ chưa làm tròn trách nhiệm đối với các em, khi mà vẫn có thể có hướng khắc phục được. Hủy thì dễ, nhưng làm thế nào để vượt qua mới thể hiện vai trò của Bộ trong lúc này.
Đặc biệt, việc hủy không dự thi sẽ làm ảnh hưởng tới phong trào thi Olympic các năm sau. Bởi vì, khi lựa chọn vào đội tuyển, là các em đã chọn con đường “ghồ ghề”, thậm chí đánh đổi, vì đi thi có thể trượt.
Vậy mà giờ các em thấy thầy cô không đồng hành với học sinh, cứ khó là dừng thì sẽ mất tinh thần, nản, không muốn tham gia phong trào nữa.
“Giả sử quốc tế họ hủy, mình không tham gia thì đương nhiên. Tuy nhiên, quốc tế vẫn tổ chức thi bằng nhiều hình thức, kể cả online mà mình lại hủy là không hợp lý. Ngoài ra, việc thông báo hủy hơi chậm, khi các em đã dồn nhiều tâm sức ôn tập, khiến các em bị sốc”, vị lãnh đạo này nói.
Em Vũ Đức Vinh, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, Huy chương Bạc Kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2019 chia sẻ, lúc nhận được thông tin Bộ GD&ĐT sẽ hủy chọn đội tuyển thi Olympic, em và các bạn khá bất ngờ. Với em, kỳ thi này là sự dày công ôn luyện và có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Em đã có nhiều quyết tâm và dự định trong quá trình học. Khi không được tham dự, mất mát lớn nhất đối với em chính là mất cơ hội được tham gia đấu trường lớn. Nhất là việc đặc cách vào vòng 2, kỳ thi này là dấu mốc đặc biệt đối với em.
Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa kiểm soát được, và ở Việt Nam vẫn chưa chấm dứt. Nhưng em vẫn luôn hy vọng rằng Bộ sẽ có quyết định phù hợp, để vừa đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho chúng em. Đặc biệt, một số môn đã có cách thức thi phù hợp, nên em hy vọng Việt Nam vẫn sẽ tham gia kỳ thi Toán quốc tế năm nay.