Hồn gốm Quế

Không nổi tiếng như gốm Bát Tràng, cũng không tinh tế như gốm Bàu Trúc nhưng gốm Quế lại được ưa chuộng bởi cái chất gốm kỳ lạ cứng như đá mà dùng kim cương để cắt cũng không tì vết. Gốm Quế cổ truyền còn có thể lọc độc tố của rượu khi ngâm trong bình.

Làng không có tổ nghề

Ở nước ta, ai cũng biết nhà văn Kim Lân là người sành gốm. Chỉ cần nhìn gốm là cụ biết sản phẩm do làng nào làm ra, và chỉ ngửi qua là biết gốm đã chín hay vẫn còn sống. Trong một bài bút ký, cụ có so sánh các làng gốm Việt với nhau. Trong đó, gốm Quế được cụ xếp vào hàng tiểu tốt vô danh nhưng lại là anh cả.

Gốm Quế là cách gọi tắt, chứ thực chất đó là làng gốm Quyết Thành thuộc thị trấn Quế (Kim Bảng – Hà Nam). Làng gốm cổ kính này tính đến nay vừa tròn 500 năm tuổi từ khi dân làng biết nghề làm gốm. Ấy vậy mà cả làng 212 hộ dân với gần 700 nhân khẩu mà tịnh không ai biết tổ nghề là ai.

Hồn gốm Quế ảnh 1

Thắc mắc về điều này, ông Nguyễn Đức Phú hiện là chủ nhiệm HTX gốm Quế mới lục tìm gia phả đọc hết các trang cũng chẳng thấy ghi ai là người đem nghề về làng. Các cụ cao niên lại bảo, 500 năm rồi có biết ai là người đem nghề về đâu mà đặt tổ nghề cho gốm.

Có lẽ thế mà nhà văn Kim Lân mới viết gốm Quế là thằng anh cả côi cút giữa chốn Đanh Tự và dòng giang Đáy. Thật thế, làng gốm Quế sát dòng sông Đáy vốn rất dữ dội nhưng người ta cứ gán cho dòng sông là hiền hoà, yên ả. Và làng cũng cách không xa ngôi chùa nổi tiếng vắng vẻ là Bà Đanh Tự.

Ông Phú cho biết: “Quế từng là nơi sản xuất gốm quy mô lớn nhất nước ta. Nhất là những năm thời bao cấp, gốm Quế không chỉ để bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Chẳng biết, ở nước ngoài người ta có dùng đồ gốm để đựng nước, đựng rượu hay ngâm mắm cáy mắm tôm không mà mua nhiều thế”.

Thời ấy, ở ngôi làng cổ này chẳng ai không biết nghề. Từ đứa trẻ mới ê a con chữ đến cụ già móm mém thều thào không ra tiếng vẫn hì hụi làm gốm. Nhà nào cũng làm và nhà nào cũng đỏ lửa trong lò. Cánh buôn bè trên sông Đáy chỉ ước qua vùng Quế để ngửi được mùi thơm của gốm chín khi mới ra lò.

Còn bây giờ, tận mắt tôi chứng kiến ở ngôi làng này đã khác xưa nhiều. Cái cổng sừng sững ghi là làng nghề truyền thống thì vẫn đấy, nhưng gốm có vẻ hiếm. Cũng không còn mùi thơm của gốm chín ra lò nữa. Ông Phú mới bảo: “Cả làng chỉ còn 4 lò thì lấy đâu ra mùi mà ngửi. Người làm gốm cũng không còn nhiều, chỉ khoảng 100 thợ nữa thôi”.

Gian nan với sét

Không nổi tiếng như Bát Tràng và không tinh tế bằng Bàu Trúc, ấy thế mà chạm tay vào gốm Quế lại thấy những cảm giác lạ. Nghệ nhân cao cấp Lại Văn Tiến gọi cái lạ ấy là “hồn” gốm Quế cổ truyền.

Ông Tiến khoe rằng, khắp Việt Nam không có một nơi nào có mỏ sét quý giá như ở Quế. Đất sét dưới lòng đất qua thời gian đã biến thành sét vàng, vừa dẻo vừa có những khoáng chất quý nên gốm có hồn. Vả lại, sét vàng ở Quế lại được tôi luyện bởi bao nhiêu lần ngập lụt nên cái chất cũng bền hơn.

Hồn gốm Quế ảnh 2

Gốm Quế đạt chuẩn khi dùng mũi kim cương cắt không đứt.

Nhưng để lấy được sét vàng không phải là dễ. Là người gắn bó cả đời với gốm nên ông Tiến biết. Khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm, sau mùa gặt, người ta phải lật lớp đất bùn trên bề mặt ruộng, sau đó xắn sâu xuống khoảng một thép mai (khoảng 40cm – PV) để chọn đất sét vàng. Phần sét vàng tốt nhất chỉ ở độ sâu 3m, còn sâu hơn thì lại chưa đủ tuổi.

Phần sét chưa đủ tuổi ấy sau này sẽ đùn lên và có màu vàng đặc trưng. Người làng gốm sẽ đưa sét về phơi nắng phơi mưa, ngâm ủ đúng một năm rồi nhào nặn, lọc chất lấy bột. Quy trình làm gốm Quế tuy là thủ công nhưng các bể chứa lớn nhỏ, cao thấp thì lại lỉnh kỉnh vô cùng.

Đất sét đủ mưa nắng cho vào một cái bể nhỏ trên cao để lọc. Màu sét sẽ dần ngấm xuống bể dưới để lắng lấy bột. Bột ngâm dẻo như keo thì tháo nước ra để phơi nắng. Sau khoảng chục ngày thì lấy bột sét ấy nhào nặn tuỳ ý thành sản phẩm. Gốm sống phơi khô rồi cho vào lò đốt khoảng 15 ngày thì chín.

“Thợ giỏi chỉ cần ngửi mùi gốm từ lò phát ra là biết đã chín hay chưa. Kỵ nhất là gốm sống và gốm cháy. Sản phẩm vừa không đẹp lại không thể bền. Nên những người giỏi nghề thì mới được phép quyết định dập lửa hay tiếp tục cho lò cháy”, nghệ nhân Lại Văn Tiến cho hay.

Sản phẩm gốm Quế chủ yếu hiện nay là chum vại choé các loại. Cùng với đó là các sản phẩm mới như ấm chén, bình hoa, bình ngâm rượu đến các loại gốm mỹ nghệ. Người làng Quế vốn không ưa hoa lá cành nên sản phẩm hầu như không trang trí mà chỉ đắp nổi hình rồng phượng hoặc chữ Nho theo cách của gốm Bàu Trúc mà người Chăm ở Ninh Thuận hay làm.

Hồn gốm Quế ảnh 3

Gốm Quế có lịch sử tròn 500 năm.

Ông Tiến bảo: “Một người thông minh, khéo tay học làm gốm Quế phải mất 7 năm liên tục mới thành thợ. Còn nếu thành nghệ nhân thì phải cả đời. Gốm Quế không thiên về hình thức bên ngoài mà phải là cái hồn cốt và độ bền của sản phẩm. Sản phẩm không bền, sử dụng không niên viễn coi như vứt bỏ”.

Gốm thải độc rượu

Có lẽ thiên về độ bền mà người làng Quế cũng có những cách thử gốm độc đáo. Họ lấy lưỡi dao kim cương để cắt gốm. Nếu gốm bị đứt hoặc tạo rãnh sâu thì coi như sản phẩm không đạt. Nếu không tì vết thì mới đúng yêu cầu đặt ra.

“Nhất liệu – nhì nung – tam hình – tứ chế, trong 4 điều này thì chúng tôi đạt cả 4. Tuy nhiên, người làm gốm Quế không quan tâm quá đến đề thị trường, đặc biệt là việc quảng bá nên ít người biết tới. Chỉ có những người sành gốm mới hay tìm về làng để mua những sản phẩm tốt nhất để trưng bày hoặc sử dụng”.

— ông Nguyễn Đức Phú – Chủ nhiệm HTX gốm Quế —

Cách thứ hai là đổ nước vào bình gốm đặt trong phòng kín. Một năm sau bỏ ra xem, nếu nước trong bình cạn đi coi như gốm hỏng. Gốm hỏng là chưa chín hoặc chín già thì mới hút nước, mất nước.

Cách thứ ba và cũng là một phát hiện kỳ khôi của gốm Quế. Cho rượu có nồng độ cồn cao vào bình gốm để dưới nhà mái tôn. Một năm sau sẽ thấy phần mái tôn vị trí đặt bình bị han gỉ nghiêm trọng. Xung quanh bình gốm có các chất mốc trắng bám quanh. Trong bình, rượu vẫn không hao một chút nào. Đó là gốm đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Đức Phú cho biết: “Chúng tôi đã mời các chuyên gia hoá chất đến để kiểm nghiệm. Bình gốm Quế đạt chuẩn có khả năng thải độc cho rượu. Phần mái tôn bị han gỉ là do độc rượu toả lên. Và các chất mốc trắng quanh bình cũng là chất độc của rượu bị các khoáng chất của gốm đào thải ra ngoài”.

 Gốm Quế tuy đã có thương hiệu từ lâu và hồn gốm Quế đã lưu giữ lại nơi người sử dụng. Tuy vậy, người làng gốm cổ này vẫn không khỏi lo lắng vì hiện nay chỉ còn vỏn vẹn 10 thợ giỏi gắn bó với gốm. Nếu một mai những người thợ nằm xuống với đất, liệu gốm Quế có cơ nguy thất truyền?

Trần Hoà

Theo Đời sống
back to top