Thương nhớ đồng quê.
Thỉnh thoảng đang đi trên phố đông người chợt ngửi thấy mùi cỏ thơm nồng nàn, giật mình tưởng đang lạc vào một triền đê xanh mướt nào đó. Hóa ra mấy bác công nhân đang cắt cỏ ở vạt cỏ giữa đường.
Hoặc có lần chợt ngửi thấy rõ ràng mùi khói rơm, mắt lại thấy cay cay, ngỡ đang được ngồi trong gian bếp đầy bồ hóng và khói của bà tôi. Đi được một đoạn thì thấy người ta đang thui chó bằng rơm!
Rồi có lần lại gặp mùi hoa bưởi giữa phố cứ như quanh đó là cả một vườn bưởi, nhớn nhác đưa mắt tìm nhưng chỉ thấy ven đường một chị ngồi bên rổ hoa bưởi còn đẫm sương, đang bán cho người phố một chút hương thầm.
Đấy, cứ thỉnh thoảng một chút đánh lừa thế thôi cũng đem lại những khoảnh khắc thật dễ chịu. Làm dịu bớt đi những căng thẳng, những bụi bặm, ồn ào của cuộc sống nơi thành phố.
Thế mới biết lòng mình còn nặng với vườn tược, ruộng đồng, với làng quê lắm lắm.
Không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều người khác cũng yêu quê lắm, nhưng chúng tôi vẫn bỏ quê lên thành phố. Hết lớp này đến lớp khác bỏ quê ra đi. Cứ lên thành phố học đại học là chẳng mấy ai còn muốn trở về. Ngay cả không đi học người ta cũng bỏ đi tha phương để làm đủ nghề. Có rất nhiều lý do khi người ta đã quyết ra đi.
Và dường như để xóa đi cái cảm giác có lỗi với nơi ruộng đồng đã sinh ra mình, chúng tôi luôn nói yêu nó, nhớ nó tha thiết.
Hàng ngày phải hít thở không khí ô nhiễm khói bụi, ta vẫn ước được hít căng lồng ngực mùi ruộng lúa lúc mới vào đòng, mùi rơm rạ, mùi đất… Ăn một miếng cơm cũng nhớ bát cơm gạo mới thơm mùi nắng gió. Ăn thịt gà cũng thấy không ngon bằng thịt con gà mái tơ ta đã được ăn ở nhà cha mẹ…
Ước thế đấy, mong nhớ thế đấy, vậy tại sao cứ phải ra đi, cứ phải bỏ lại cả thiên đường đó để đi tìm gì nơi đất lạ kia?
Liệu mong nhớ thế có thực là yêu không? Khi mà những năm tháng đẹp đẽ, sung sức nhất của đời mình, ta đã không dành cho làng quê mình. Chỉ đến khi giữa đường gãy cánh hoặc mang thương tích, khi đã sức cùng lực kiệt ta mới lại tìm về với căn nhà xưa, với chốn ruộng đồng.
Minh Anh