Những ngôi nhà cổ đi tiên phong
Tiếp chúng tôi bên chén trà tối trong căn nhà gỗ ấm áp ở làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, ông Dương Công Chài hồ hởi kể về những điều đặc biệt ở ngôi làng Tày này. Ông bảo, chả nơi đâu mà cả làng cả xã có đặc điểm chung là “nhà một hướng, người một họ”.
Tất cả người Tày ở đây đều họ Dương, đủ cả Dương Công, Dương Đình, Dương Doãn, sang các xã khác còn có thêm Dương Hữu, Dương Thần. Nhà thì hoàn toàn các nhà sàn gỗ làm từ xưa đều là hướng Tây Nam.
“Hướng nhà này được duy trì từ thời cha ông, đến nay có lẽ cũng phải 12 đời rồi. Một phần do phụ thuộc địa hình vòng cung của làng, ba bên là núi nên tất cả nhà dựng lên đều thong dong, xuôi về một hướng, đồng thời hưởng gió nam rất mát. Hiện nay đường xá phát triển hơn nên những nhà làm sau này, nhà xây có thể có các hướng khác, còn chủ yếu trong làng là những nhà cổ, nhà gỗ được làm từ xa xưa đều chung một hướng Tây Nam”.
Những ngôi nhà sàn cổ ở Bắc Sơn nay được sử dụng làm homestay đón khách du lịch.
Xã Quỳnh Sơn có 450 hộ thì đến 400 hộ là nhà sàn gỗ, chủ yếu là nhà được dựng từ lâu đời. Như nhà của ông được làm từ năm 1939 đến giờ vẫn nguyên vẹn như xưa từ kèo cột, mái ngói rêu phong, gỗ láng bóng theo thời gian.
Ông Chài tự hào “khoe” ngôi nhà do ông và bố mình làm, từ khi ông còn chưa được sinh ra: “Nghe các cụ kể lại thì chỉ những gia đình khá giả mới làm được ngôi nhà lớn như vậy, và vì tự làm hoàn toàn nên phải mất đến vài năm mới xong. Người Tày chúng tôi khi dựng nhà đều do đàn ông trong nhà tự tay làm với sự giúp đỡ của anh em, hàng xóm. Nhà làm xong gia đình 3-4 thế hệ ở chung…”
Từ 2010, Trung tâm xúc tiến du lịch Lạng Sơn, thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng, đã chọn nhà sàn của người Tày và nhà trình tường của người Nùng là hai kiến trúc nhà ở mang đặc trưng văn hóa dân tộc bản địa để giới thiệu đến du khách.
Trong thôn này, 5 nhà sàn “cao tuổi” nhất là những nhà lớn, hiện trạng còn tốt đã được chọn để làm du lịch cộng đồng (homestay); trong đó có nhà ông Dương Ông Chài. “Ban đầu cũng run lắm, vì có biết du lịch cộng đồng, hay homestay là gì đâu, được cán bộ giải thích, hướng dẫn cụ thể rồi thì lại lo người lạ họ đến ăn ở, sinh hoạt với gia đình mình thì liệu có quen không, có thích nghi được không, rồi liệu có phiền phức gì nữa không…”
“Đủ thứ lo lắng, nhưng được tuyên truyền nên vợ chồng tôi cũng thấy vinh dự vì nhà mình được chọn, được giới thiệu đến mọi người ngôi nhà sàn cổ xưa do chính bàn tay cha ông mình dựng nên”, ông Chài chia sẻ.
Vợ chồng già học công nghệ làm du lịch
Được sự hỗ trợ của Sở VHTTDL tỉnh, gia đình ông bà đầu tư làm nhà vệ sinh tự hoại, nhà tắm có ốp lát gạch men sạch sẽ, hiện đại, rồi sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lắp nóng lạnh, gồm cả hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời, để đáp ứng yêu cầu làm homestay. “Thật sự những thiết bị hiện đại này trước đây gia đình không dùng, thậm chí như cái nóng lạnh năng lượng mặt trời còn chả biết đến nó là cái gì. Nhưng rồi cán bộ họ xuống tư vấn, giải thích cách hoạt động, rồi hiệu quả tiết kiệm điện,… chúng tôi thấy cũng là cái mới mẻ, tiến bộ nên học hỏi làm theo. Bây giờ thường chỉ dùng bình nước nóng hệ thống năng lượng mặt trời, nhưng khi có đông khách thì phải kết hợp bật cả bình điện mới kịp có nước nóng”, ông Chài chia sẻ.
Điều đặc biệt ấn tượng với chúng tôi không chỉ là việc một cặp vợ chồng người dân tộc Tày đã cao tuổi vẫn biết trang bị và sử dụng các thiết bị gia dụng hiện đại mà còn là việc ông bà học hỏi công nghệ để đáp ứng yêu cầu làm du lịch homestay. Ông bà cho lắp hệ thống wifi internet vừa để phục vụ du khách vừa tiện cho việc khai báo tạm trú online. Ông Chài cho biết trước đây khi chưa có internet thì việc khai báo tạm trú của khách ở qua đêm rất vất vả; hàng ngày cứ tối đến là ông phải kê khai vào phiếu và đem lên xã nộp. Bây giờ có internet, được công an xã đến tận nơi hướng dẫn làm thủ tục khai báo tạm trú online rất thuận tiện.
Bác Chài chụp ảnh lưu niệm với du khách đến ở homestay.
Thực sự thì hai ông bà đều là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, nhưng công việc trước đây cũng không tiếp xúc nhiều với máy tính, nên khi bắt đầu cũng lọ mọ học hỏi nhiều.
Ông bảo các hộ dân làm homestay như nhà ông đều được tập huấn từ cách sử dụng máy tính, cách vào mạng internet và thực hành khai báo tạm trú. “Làm một lần chưa được thì làm lại, rồi con cháu nó hướng dẫn, nó chỉ bảo thêm cho nên làm đi làm lại mãi cũng thành quen. Giờ tôi khai báo một lúc mấy chục khách ngon ơ”, ông Chài vui vẻ nói.
Chuyên nghiệp từ sự chân thành
Bà Dương Thị Đoàn, vợ ông Chài cho biết các con ông bà đều đã ra ở riêng, nên nhà cửa trống trải, làm homestay như thế này vừa có công ăn việc làm, lương hưu coi như chả phải dùng đến, lại được vận động cất nhắc chân tay cho đỡ buồn chán.
Bà bảo việc không quá bận rộn mà lại vui vì được tiếp xúc với nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới. Khi được hỏi ông bà có biết tiếng Anh không, bà Đoàn cười vang: “Chúng tôi có biết tiếng Tây đâu, khách nước ngoài ở đây đều phải thông qua hướng dẫn viên.
Nhưng không phải lúc nào hướng dẫn viên cũng có mặt ngay đó, mà chúng tôi vẫn giao tiếp với khách được, chủ yếu là ra hiệu. Hai bên cứ huơ tay huơ chân, ra dấu mãi rồi cũng hiểu được nhau mà mình cũng quen dần với kiểu nói chuyện này”.
Bà Đoàn cho biết kỷ niệm với khách Tây cũng nhiều, điều quan trọng là mình cư xử chân thành, nhiệt tình thì khách nào cũng nhớ, rồi họ lại giới thiệu người đến sau. Bà Đoàn kể: có hai bà khách người Mỹ đến tứ Chicago, đã ngoài 70 tuổi rồi mà khỏe mạnh lắm, họ thích đi bộ, nhưng mà người to béo nên đi nhiều quá thì máu nó dồn xuống chân.
Nhìn hai bàn chân sưng u bà thấy thương quá thì đem nước muối nóng cho họ ngâm chân, rồi còn xoa bóp chân cho họ nữa, họ cảm kích lắm, cứ cảm ơn rối rít.
Những lần đánh cảm, xoa bóp, ngâm chân cho khách đến ở homestay nhà ông bà nhiều vô cùng, bà Đoàn làm những việc này hoàn toàn là từ tấm lòng thấy thương họ khi khó khăn, đau đớn, mệt mỏi; chứ không phải như một nơi cung cấp dịch vụ du lịch đầy đủ, chuyên nghiệp.
“Tất cả những việc ấy tôi làm không phải để lấy tiền của họ, Tây hay ta, tôi có giúp thêm được gì hay không thì cũng chỉ tính 70.000đ/đêm chỗ ngủ, còn ăn thì tính thêm tiền theo bữa. Những việc mình làm là do mình chân thành muốn giúp họ, thế nên họ quý lắm”, bà chia sẻ.
Khách đi rồi quay lại cũng nhiều, đặc biệt có hai bà khách khi đi đã chào tạm biệt rồi, họ đi du lịch khắp nơi ở Việt Nam, xong trước khi về nước họ còn quay lại chơi và chào ông bà. Hoặc lại có những khách đã đến ở một lần, rồi lần sau quay lại, dù đông đến mấy không còn chỗ ở thì họ vẫn nhất định không đi nhà khác, họ bảo: “ngủ đâu cũng được, cứ có cái chiếu cái quạt là được”.
Ông bà còn rất hào hứng khoe với chúng tôi một lá thư mà ông bà cất giữ cẩn thận. Đó là lá thư của ba thanh niên người Hàn Quốc, họ ở nhà ông bà mấy ngày, đêm trước khi về họ đã tra từ điển trên điện thoại để viết cho ông bà một lá thư.
“Dù họ không biết tiếng, câu cú rất lộn xộn nhưng thật sự đọc lá thư ấy tôi thấy rất vui và ấm áp. Những tình cảm của khách như vậy luôn tiếp thêm động lực cho chúng tôi để cố gắng duy trì hoạt động homestay”, ông bà tâm sự.
Lá thư tình cảm của ba du khách Hàn Quốc gửi ông bà Chài.
Không chỉ học hỏi công nghệ, tìm hiểu để đầu tư lắp đặt các trang thiết bị gia dụng hiện đại, bà Đoàn, vợ ông Chài còn phải học cả cách làm những món ăn mà theo như bà nói là “cả đời này chưa bao giờ được nếm thử”. Khi khách nước ngoài biết đến Bắc Sơn ngày càng nhiều, các công ty du lịch họ liên hệ những gia đình làm homestay, hướng dẫn cách làm một số món cơ bản như làm bánh crepe, trộn salad, hay các món chay… để phục vụ khách. “Khách đến ở homestay vì họ muốn cảm nhận được đời sống văn hóa nơi đây, dù hòa nhập cuộc sống dân dã nhưng nhiều món họ không ăn được, nên chúng tôi sẵn sàng học hỏi để phục vụ tốt nhất cho du khách”, bà Đoàn chia sẻ.
Lê Na