Rối loạn do tương tác nhiều yếu tố
Nguyên nhân bệnh sinh của hội chứng ruột kích thích vẫn chưa thể xác định được rõ ràng. Nó được xem như là một rối loạn do sự tương tác của một số yếu tố: Rối loạn chức năng của cơ trơn thành ruột và quá mẫn cảm nội tạng. IBS có thể được gây ra bởi lối sống, thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá quá mức, thiếu tập thể dục, béo phì...
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bị stress, căng thẳng kéo dài trong cuộc sống, áp lực công việc, lo lắng gia đình, tình cảm là một trong những yếu tố nguy cơ của hội chứng ruột kích thích. Nhạy cảm với một số loại thực phẩm, chế độ ăn nhiều gia vị, nhiều chất bột, đồ chiên rán, dầu mỡ đang được nghiên cứu về ảnh hưởng đối với sự phát triển của tình trạng này. Rối loạn chức năng của trục não - ruột, thay đổi nội tiết tố cũng có liên quan đến hội chứng ruột kích thích.
Dựa vào các triệu chứng nổi trội mà người ta phân hội chứng ruột kích thích thành 3 dạng khác nhau:
- Triệu chứng táo bón chiếm ưu thế. Dạng này chiếm khoảng 30% các trường hợp. Phân cứng trên 1/4 thời gian và phân lỏng dưới 1/4 thời gian. Loại này gặp chủ yếu ở nữ giới
- Triệu chứng tiêu chảy chiếm ưu thế. Dạng này chiếm khoảng 1/3 trường hợp. Phân lỏng trên 1/4 thời gian, phân cứng dưới 1/4 thời gian. Loại này thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
- Triệu chứng xen kẽ tiêu chảy và táo. Dạng này chiếm khoảng 1/3 đến 1/2 trường hợp và có trên 1/4 thời gian phân cứng hoặc lỏng.
- Triệu chứng không xác định.
Dễ nhầm với viêm đại tràng mạn
Tại đường tiêu hóa, đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất. Người bệnh đau bụng thành cơn hoặc âm ỉ, kèm đầy hơi, khó mô tả cụ thể. Đau bụng sau ăn là chủ yếu, tăng lên khi căng thẳng, sau bị stress tinh thần, lo lắng. Vị trí đau bụng thường gặp ở thượng vị khoảng 10%, hạ vị 25%, bên trái 20%, bên phải 20%. Bệnh nhân có thể chán ăn, mất ngủ đi kèm, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Người bệnh thay đổi thói quen đi ngoài. Bệnh nhân thường bị giảm số lần đi ngoài gây táo bón khoảng dưới 3 lần trong một tuần hoặc tăng số lần đi ngoài gây đi lỏng khoảng 3 lần một ngày. Người bệnh đi ngoài phân có nhầy, đi ngoài ngay sau khi ngủ dậy. Vừa đi ngoài xong lại mót đi gấp, đi ngoài sau ăn sáng, sau uống bia, rượu hoặc đồ gia vị, đồ ăn lạ. Người bệnh luôn cảm giác đi ngoài chưa hết, phải rặn. Phân không có máu, không đi ngoài ban đêm.
Ngoài ra, người bệnh thường bị mất ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó tiêu, đau lưng, mỏi cơ, khớp, rối loạn tâm lý. Rất nhiều trường hợp người bệnh bị đi tiểu đêm, mót tiểu, tiểu nhiều, tiểu không hết. Khoảng 70%- 80% trường hợp bị giảm khả năng tình dục (đau khi giao hợp ở nữ giới), giảm dung nạp với thuốc.
Để chẩn đoán IBS cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ như xét nghiệm đường huyết, công thức máu, tốc độ lắng máu, ion đồ, siêu âm ổ bụng, X-quang đại tràng, nội soi đại- trực tràng, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như CT, MRI…
Trong thực tế có nhiều trường hợp chẩn đoán nhầm giữa IBS và viêm đại tràng mạn tính, do đó cần phân biệt hai bệnh này. Viêm đại tràng mạn tính có triệu chứng đau bụng ít, trướng bụng vừa, phân có thể lẫn máu, khuôn phân ít thay đổi, ít mất ngủ, ít lo lắng. Nội soi có viêm, loét, xung huyết.
Hội chứng ruột kích thích thường đau bụng nhiều, trướng bụng, đầy hơi, khó trung tiện, phân không có máu, khuôn phân thường là dẹt, mất ngủ, lo lắng thường xuyên, nội soi đại trực tràng bình thường. Những người ở độ tuổi từ trên 45- 50, những người bị thiếu máu, gầy sút cân, hay bị buồn nôn hoặc nôn.
Những người đi ngoài ra máu hoặc xét nghiệm kiểm tra có máu trong phân, có triệu chứng về ban đêm, sốt và các chỉ điểm viêm tăng cao bất thường cũng không được loại trừ chẩn đoán IBS. Những người có khối u ở bụng hoặc K trực tràng, tiền sử gia đình có người bị ung thư trực tràng thường được cảnh báo về hội chứng ruột kích thích nhiều hơn những người khác.