Cách ăn uống phòng tránh bệnh đại tràng

(khoahocdoisong.vn) - Số lượng người Việt Nam mắc bệnh đại tràng mãn tính đã lên tới 4 triệu người, cao gấp 4 lần tỷ lệ mắc bệnh trung bình trên toàn cầu.

Khi rau và thịt không đảm bảo vệ sinh

Ths.BS Lê Anh Tuấn, BV Ung bướu Hưng Việt cho biết, có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến hệ tiêu hóa gây ra viêm đại tràng như chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, uống rượu bia, ăn đồ ăn khó tiêu hoặc ôi thiu, gây tổn thương niêm mạc đại tràng, nhiễm khuẩn dẫn đến hội chứng lị, có nhiều loại giun sống ký sinh ở đại tràng…

Ăn rau sống, không rửa kỹ rất có nguy cơ nhiễm giun sán. Giun sán vào trong cơ thể sẽ gây loạn khuẩn, gây viêm đại tràng cấp nếu không điều trị đúng có thể tái phát thường xuyên, trở thành mãn tính. ở Việt Nam, người dân có thói quen ăn thịt tươi nhưng do giết mổ không đảm bảo, bày bán ngoài chợ không đảm bảo nên dễ nhiễm vi khuẩn. Chúng ta thường mua rau, thịt từ chợ dân sinh, việc bảo quản và chế biến không đảm bảo đang là một trong những nguyên nhân đưa đến căn bệnh viêm đại tràng.

Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, số người nhập viện vì viêm đại tràng khá đông bởi đây là thời gian tổng kết, hội họp, lượng bia rượu được sử dụng nhiều. Uống nhiều bia rượu ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan tiêu hóa. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi ngày uống không quá 2 đơn vị rượu (1 đơn vị là 30ml rượu trắng, 40ml rượu vang, 1 hộp bia 330ml), nam giới không quá 2 đơn vị rượu và không quá 5 ngày/tuần, nữ không quá 1 đơn vị rượu.

Nhưng ở nước ta tỷ lệ này quá cao, nhất là ở người trẻ tuổi. Người Việt ăn uống không cân đối, no dồn đói góp. Uống nhiều bia rượu trong khoảng thời gian ngắn, rượu bia là chất kích thích, dễ làm thay đổi hoạt động của hệ thần kinh giao cảm chi phối hoạt động của nhu động ruột, gây rối loạn tiêu hóa, bào mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa, mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và làm rối loạn hấp thu nước, chất dinh dưỡng, chất điện giải cũng như quá trình đào thải ở đại tràng gây tiêu chảy, phân nát, đau bụng, kích thích đi ngoài nhiều lần và gây bệnh đại tràng.

Viêm đại tràng nếu không được chữa trị kịp thời dễ chuyển thành mãn tính, niêm mạc ruột  bị bào mòn, loạn khuẩn tiêu chảy kéo dài, cơ thể không hấp thu được các chất dinh dưỡng dễ dẫn đến suy kiệt. Nếu viêm mãn tính có thể hình thành các ổ viêm hoặc nhiễm amip tạo thành nang và tạo thành những khối ung thư.

Ăn nhiều thịt không tốt cho đại tràng

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng QG, ăn nhiều thịt nhất là thịt chế biến sẵn dễ gây nguy cơ ung thư đại tràng. Hiện nay người Việt Nam ăn rất nhiều thịt, có người ăn tới 200-300g thịt/ngày trong khi người Nhật chỉ ăn trung bình 63g thịt/người/ngày và chuyển sang ăn cá, đậu đỗ cho dễ tiêu hóa và hấp thu, vì thế họ phòng tránh được nhiều bệnh tật liên quan tới tiêu hóa.

Việc ăn nhiều thịt khiến nhiều cặn bã đọng lại trong đại tràng gây ra viêm đại tràng. Chế độ ăn không cân bằng, thiếu rau xanh cũng đáng báo động. Khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, rau, củ nên ăn trung bình 10 kg/người/tháng. Quả chín có thể ăn theo khả năng, không giới hạn số lượng và cần ăn đủ.

Ngoài việc cung cấp vitamin và chất khoáng cần thiết, rau, củ, quả còn có nhiều chất xơ có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình thải các chất độc và chất béo thừa ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim, bệnh chuyển hóa, tuần hoàn máu, các bệnh về đường tiêu hóa. Nếu chia nhỏ ra, người trưởng thành cần ăn 300g rau xanh, 100-200g hoa quả.

Để giảm ăn thịt, người trưởng thành có thể ăn thêm đậu phụ nhằm cung cấp đủ protein cho cơ thể và giảm tải hoạt động cho hệ tiêu hóa. Kết hợp với ăn rau xanh sẽ giúp tăng cường chất ôxy hóa và chất xơ, giảm nguy cơ viêm đại tràng, ung thư đại tràng.

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
back to top