100% giáo viên đồng lòng tiếp sức phụ huynh tuyến đầu chống dịch
Mới đây, trên Trang fanpgae chính thức của trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã đăng tải thông tin sẽ hỗ trợ ôn thi cho các học sinh, đặc biệt là các học sinh cuối cấp, chuẩn bị thi vào lớp 10 là con của các nhân viên y tế, những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Cụ thể, thông báo viết:
"Kính gửi các bậc phụ huynh đang ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Hiện nay, dịch bệnh đang bùng phát và lan rộng. Các bác sĩ, nhân viên y tế, các chú công an bộ đội đang ngày đên làm công tác cứu chữa và phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho người dân.
Chúng tôi biết, các bác có con đang thi vào lớp 10 cũng rất lo lắng khi con em mình phải tự học và bố mẹ cũng không chăm sóc, giám sát được chất lượng ôn thi của các con.
Trường THCS Nguyễn Du rất muốn được chia sẻ với các bố mẹ việc ôn thi và giám sát ôn thi cho các con".
Những phụ huynh có nhu cầu cần nhà trường hỗ trợ, hãy liên lạc trực tiếp với cô giáo Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường.
Trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỗ trợ các học sinh có bố mẹ đang ở tuyến đầu chống dịch ôn thi trực tuyến. Ảnh: Trường THCS Nguyễn Du. |
Trao đổi với phóng viên về lý do đã quyết định hỗ trợ ôn thi cho những học sinh là con của những phụ huynh đang ở tuyến đầu chống dịch này, cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc làm này xuất phát từ việc, thời điểm này là giai đoạn nước rút với 4 tuần cao điểm để các giáo viên rèn cho học sinh kỹ thuật làm bài, chốt kiến thức, và các em nâng kiến thức của mình lên.
Tuy nhiên, đúng giai đoạn này, học sinh lại phải chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến. Trong khi đó, với việc học trực tuyến, các giáo viên đánh giá, đối với những bạn học tốt, chỉ đáp ứng được tối đa 80% yêu cầu. Còn đối với những học sinh trung bình chỉ đáp ứng được 50%. Ngoài ra, việc chấm chữa bài trực tiếp cũng chuyển sang chấm online, hạn chế rất nhiều.
Đặc biệt, việc học trực tuyến đòi hỏi các em phải tự giác, tự chịu trách nhiệm về bản thân mình. Nhưng không phải em nào cũng làm được điều đó. Nếu học ở trên lớp, các cô giáo sẽ giám sát, thường xuyên nhắc nhở. Khi các em về nhà có phụ huynh phối hợp kèm cặp cùng.
Nhưng trong giai đoạn này, các phụ huynh đang ở tuyển đầu chống dịch không thể về nhà được, chỉ có thể gọi điện hỏi han, nhắc nhở động viên con. Có những gia đình, thậm chí cả hai bố mẹ đều vắng mặt, trong khi các con đều cuối cấp, con thì thi vào 10, con thi tốt nghiệp THPT.
Những hoàn cảnh như vậy bố mẹ tựa như ngồi trên đống lửa. Xuất phát từ thực tế đó, Trường THCS Nguyễn Du đã quyết định hỗ trợ, tiếp sức những phụ huynh đang ở tuyến đầu chống dịch. Và 100% giáo viên trong trường đều nhất trí, đồng lòng ủng hộ phương án này.
Và cô Lý cho biết, không chỉ giáo viên của Trường THCS Nguyễn Du hỗ trợ, mà giáo viên các trường khác cũng sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ các em. Thậm chí, các giáo viên đã lên phương án, trong trường hợp học sinh không đáp ứng được việc học trực tuyến, gia đình lại quá neo đơn, không có người hỗ trợ, thì các giáo viên sẽ sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo cao nhất về mặt an toàn, cả giáo viên và học sinh đều phải không có yếu tố dịch tễ và tuân thủ đúng những quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế. Nhưng cho đến nay, chưa phải dùng tới phương án này.
Hỗ trợ học sinh cả về tâm lý lẫn kiến thức
Cô giáo Nguyễn Thị Lý cho biết, sau khi đăng tải thông tin, đã có một số phụ huynh liên lạc, nhờ nhà trường hỗ trợ. Hiện nay, nhà trường đang hỗ trợ cho các em cả về kiến thức và tư vấn tâm lý.
Về kiến thức, các em sẽ được hỗ trợ học qua phần mềm Zoom. Các giáo viên sẽ kiểm tra kiến thức, cho các em thử làm đề thi giống như khi thi thật. Từ đó, sẽ biết các em còn yếu ở mảng nào, để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho các em.
Đối với vấn đề tâm lý, các giáo viên hỗ trợ học sinh dưới nhiều hình thức, trong đó có việc gọi điện, trò chuyện với các em.
“Yếu tố tâm lý rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn nước rút này. Làm sao để các em cảm thấy yên tâm, vững tin, và thông cảm, tự hào với công việc của bố mẹ, các em học hành tốt cũng để bố mẹ yên tâm công tác, các em cũng góp phần vào công cuộc chống dịch của đất nước”, cô Lý chia sẻ.
Nhờ có sự giúp đỡ của các giáo viên, các em đã có một số tiến bộ. Với những lỗi sai khi làm bài, khi được các giáo viên nhắc nhở, sửa đi sửa lại, các em đã khắc phục được. Về tâm lý, các em cũng đã yên tâm hơn.
Trong giai đoạn nước rút này, rất nhiều thí sinh có tâm trạng lo lắng khi dịch Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, cô Lý chia sẻ, các em cần bình tĩnh, ôn thi theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, tránh hoang mang, dao động. Bởi khó khăn sẽ là khó khăn chung. Khi các em chủ động trong việc học tập, thì mọi thay đổi đều không ngại.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết: Hà Nội vẫn giữ kế hoạch tuyển sinh lớp 10 với 4 môn thi và thời gian tổ chức từ 10 - 11/6. Theo đó, kỳ thi sẽ gồm 4 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 là môn Lịch sử. Không có việc địa phương sẽ huỷ bỏ môn thi thứ 4.
Nếu những ngày tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thêm, Sở GD&ĐT mới có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.