“Gửi các anh chị bạn bè thân hữu. Trong tình hình dịch bệnh nặng nề và kéo dài, mọi người chúng ta đều xót xa với tình cảnh người nghèo, đồng cảm với đội ngũ y bác sĩ và đồng thuận với lãnh đạo thành phố trong những quyết định khó khăn. Hiện giờ tôi và một nhóm thân hữu đã quyên góp được một số tiền dùng để mua gạo tặng cho bà con nghèo thành phố hiện đang khó khăn vì dịch bệnh…”- những dòng thông tin đăng trên trang cá nhân của PGS Hồ Thanh Phong nhận được nhiều chú ý.
PGS Hồ Thanh Phong kêu gọi góp gạo cho dân nghèo trong dịch Covid-19 |
“Bạn Hồ Thanh Phong, từng là hiệu trưởng trường đại học đứng ra vận động các bạn hữu cùng chung tay, quyên góp gạo hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tôi đã ủng hộ và tham gia hoạt động xã hội thiện nguyện này và gửi các bạn hữu cùng tâm nguyện muốn góp phần ít nhiều”.
“Chúng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình mừng rơi nước mắt khi nhận được gạo ăn trong lúc khốn đốn, thất nghiệp, đói ăn vì dịch bệnh. Bạn san sẻ vài ký gạo lúc này rất quý đối với họ, xin vô cùng biết ơn”…
Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, các cựu sinh viên đã chung tay cùng ông. Cứ như vậy mỗi ngày số tiền PGS Phong nhận được qua tài khoản để mua gạo cho người nghèo cũng tăng lên, từ 106 triệu đồng, 130 triệu, rồi hơn 170 triệu được ông cập nhật đều đặn trên trang cá nhân. Số tiền này ông sẽ mua loại gạo 5kg mỗi bao, có giá 75.000 đồng. Tổng số gạo dự kiến mua được hơn 11 tấn.
Một cựu sinh viên khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã hỗ trợ ông một băng chuyền tự động phát gạo. Các bao gạo trong kho theo băng chuyền ra ngoài để người dân nhận, tránh tiếp xúc trong lúc TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội xã hội.
Các tình nguyện viên đang hỗ trợ lắp băng chuyền gạo. Ảnh: PGS Hồ Thanh Phong cung cấp |
Hiện băng chuyền gạo đang được lắp đặt ở quận Bình Tân, nơi có rất nhiều công nhân bị mất việc. Từ ngày mai 8/6, người dân có thể tới để nhận gạo miễn phí.
PGS Hồ Thanh Phong kể, cũng có người cho rằng việc không còn là Hiệu trưởng sẽ có chút ngại ngần khi đứng ra kêu gọi. Nhưng, theo PGS thì quan trọng là việc thiện sẽ luôn được ủng hộ.
“Tôi thấy có nhiều việc làm ý nghĩa hơn việc mình. Rất nhiều nhà hàng trong vùng dịch không bán được nhưng lại nấu cho người dân. Điều tôi vui là nhiều cựu sinh viên ở các trường, bạn bè, đồng nghiệp ít nhiều họ ủng hộ việc làm này của tôi”.
Sau những giờ lên lớp online cùng sinh viên, PGS Hồ Thanh Phong kể mấy ngày nay đêm nào cũng ngồi tính toán, cộng trừ làm sao để mua được nhiều gạo cho người dân, những gạo vẫn phải ngon.
“Làm việc này khiến trái tim tôi rung động nhiều hơn. Tôi là thầy giáo ngoài kiến thức dạy cho sinh viên thì chỉ mong mình làm việc gì mà sinh viên thấy là chuyện tốt để theo. Tôi không dám nói rằng mình làm gương nhưng nếu sinh viên thấy rằng làm việc thiện là điều tốt thì quá hay. Ở đời còn gì khác hơn là nghĩa, tình, chữ tín, lòng nhân, lễ…”- ông nói.