40 trường chuyên tham gia trên tinh thần tự nguyện
Ngày 5/12, tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra kỳ thi thử học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học.
Các thí sinh tham dự kỳ thi đến từ 40 trường chuyên trên cả nước. |
Điều khác biệt ở kỳ thi này, là sau 10 năm được tổ chức tại các trường phổ thông, đây lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức bởi một trường đại học. Kỳ thi có sự tham gia của 290 thí sinh, là những học sinh thuộc đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia chính thức, chủ yếu đến từ 40 trường chuyên trên khắp cả nước về tham dự tại hai điểm thi chính. Trong đó, điểm thi tại Trường Đại học Công nghệ có 250 thí sinh. Điểm thi tại TPHCM có 40 thí sinh.
Trực tiếp đưa đội tuyển đi thi, đồng thời cũng nằm trong ban tổ chức kỳ thi, thầy giáo Hồ Đắc Phương, phụ trách đội tuyển Tin học, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, mục đích của kỳ thi thử học sinh giỏi quốc gia là để trợ giúp cho các em có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi học sinh giỏi chính thức. Nhưng về lâu dài, là nhằm dựng lên một phong trào học tập. Các thí sinh bằng việc học giỏi môn lập trình, sẽ có một cơ hội tốt để vào trường đại học và có một tương lai tốt sau này.
Có thí sinh đến từ những nơi rất xa xôi. |
“Các trường tham gia rất hào hứng, rất vui, hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Có nhiều thí sinh đến từ những nơi rất xa xôi, ví dụ như Phú Quốc, Kiên Giang… Điều đó cho thấy, nhu cầu học tập của các em rất lớn. Các em rất mong muốn có được cơ hội cọ xát kiến thức, phát triển bản thân mình từ những sân chơi như thế này”, ông Phương nói.
Ông Hồ Đắc Phương cho biết, Bộ GD&ĐT trước đây cũng có ý định ý định tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia theo hình thức tập trung nhưng chưa thực hiện được. Việc tổ chức kỳ thi thử học sinh giỏi quốc gia môn Tin học dưới hình thức tập trung cho thấy, việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia theo hình thức này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Giám thị coi thi là giảng viên trường đại học, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, theo đúng chuẩn quốc tế. |
Theo ông Phương, khi thi tập trung, sẽ có một lợi thế là thí sinh các tỉnh trộn lẫn trong các phòng thi. Từ đó, sẽ khắc phục được những tiêu cực trong việc coi thi, ví dụ như tình trạng “gà” bài có thể xảy ra nếu tỉnh nào thi tỉnh đó. Kỳ thi được tổ chức theo đúng chuẩn quốc tế. Cụ thể, thí sinh phải cài máy ảo, để chỉ có thể vào được các trang web để làm bài, mà không thể hỏi bài, trao đổi bài…
Và điều quan trọng, từ những kỳ thi như thế này, có thể mở rộng mô hình, sau này có thể “nới” số lượng thí sinh tham gia dự thi. Khi đó, sẽ thúc đẩy phong trào học tập không chỉ ở một nhóm, mà sẽ ở diện rộng hơn ở các trường cấp 3. Khi phong trào học tập đi lên, thì đồng thời cũng là nguồn tuyển tốt cho các trường đại học sau này, nâng cao chất lượng tuyển sinh.
Hãy nhìn kỳ thi học sinh giỏi ở các khía cạnh tích cực
PGS.TS Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho biết, Trường Đại học Công nghệ có một cái “duyên” và cũng là thuận lợi là có nhiều thầy giáo ở nhiều giai đoạn khác nhau đã tham gia các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đạt giải cao. Và giờ lại tham gia công tác đối với đội tuyển. Ví dụ như thầy giáo Hồ Đắc Phương là người đã phụ trách đội tuyển Tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhiều năm; hoặc thầy giáo Hồ Sỹ Đàm – thầy Đàm là người đầu tiên xây dựng ra hệ thống thi học sinh giỏi môn Tin, dẫn đoàn đi thi quốc tế từ những năm đầu tiên.
Từ năm 2011, Trường Đại học Công nghệ được Bộ GD&ĐT giao chủ trì tập huấn học sinh giỏi tin học cho các đoàn đi thi Quốc tế. Và năm nay, Trường đứng ra hỗ trợ cho các trường chuyên tổ chức kỳ thi thử học sinh giỏi quốc gia. Do diễn ra vào đúng thời điểm Covid-19 đang có những diễn biến mới, phức tạp, nên kỳ thi cũng phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ trong việc phòng chống dịch.
Việc tham gia một kỳ thi thử sẽ giúp cho các em làm quen và có được những kinh nghiệm để bước vào một kỳ thi thật với thành tích tốt nhất. Về việc có nhiều những tranh cãi trái chiều xung quanh việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thậm chí có ý kiến cho rằng nên hủy bỏ, bởi sự học lệch, chạy theo thành tích, mất công bằng với các học sinh khác, ông Hà cho biết, cần nhìn kỳ thi với góc độ tích cực. Với quy mô dân số và vị thế của Việt Nam hiện nay, việc chúng ta đầu tư để có được học sinh giỏi, tài năng trong các lĩnh vực nói chung và khoa học tự nhiên nói riêng rất cần thiết.
“Thực chất, ở đây xuất phát từ hai phía, học sinh cũng có nhu cầu được học tập, và khi ta tạo ra được cơ hội cho các em thỏa mãn nhu cầu đó, thì là một việc rất tích cực.
Ngoài ra, thi học sinh giỏi, giống như các kỳ thi quốc tế gọi là Olympic, gốc gác của nó là tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Khi nhìn ở góc độ này, thì các kỳ thi học sinh giỏi sẽ tạo ra những sân chơi, sự cạnh tranh mang tính tích cực. Qua đó, các em rèn luyện được rất nhiều kiến thức, chia sẻ được rất nhiều những kinh nghiệm, rất bổ ích và cần thiết”, ông Hà nói.
Qua thực tế từ việc tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ, ông Hà cho biết, nguồn tuyển là một trong những yếu tố làm nên chất lượng đào tạo. Theo đó, những học sinh có xuất phát điểm là các học sinh giỏi quốc gia, hoặc đến từ các trường chuyên có kết quả học rất tốt. Với những kiến thức các môn khoa học cơ bản đã trang bị tốt từ cấp học dưới, các em sẽ có thời gian dành cho nghiên cứu để có sự vượt trội, sẽ đi được xa hơn.
Từ đó, quay ngược trở lại để thấy, việc thúc đẩy phong trào học tập trong ở các trường phổ thông rất quan trọng, trong đó có các kỳ thi học sinh giỏi. Đặc biệt, nếu các trường đại học có thể đứng ra đăng cai tổ chức cũng có thể coi là một hoạt động hướng nghiệp đối với các trường phổ thông.
Qua các kỳ thi, các em sẽ được cung cấp nhiều thông tin về ngành nghề, vị trí việc làm trong tương lai từ chính các trường đại học, từ đó kích thích để các em theo đuổi được đam mê của mình. Đồng thời, các trường cũng sẽ lựa chọn được những sinh viên thích ứng với các ngành nghề đào tạo của mình.
Em Nguyễn Quốc Nghĩa (thứ hai từ trái qua, dãy bàn 3 từ trên xuống) đến từ Trường THPT Phú Quốc xa xôi. |
Em Nguyễn Quốc Nghĩa, Trường THPT Phú Quốc, Kiên Giang chia sẻ, việc ra Hà Nội tham dự kỳ thi thử học sinh giỏi quốc gia là một trải nghiệm đáng nhớ đối với em. Theo em, đề thi khá khó, là một cơ hội tốt để em có thể được cọ xát kiến thức, giao lưu với các đội mạnh, được học hỏi, trao đổi nhiều hơn về chuyên môn. Các kỳ thi chọn lựa học sinh giỏi theo em vẫn rất cần thiết, để thúc đẩy niềm say mê học tập của các em đối với môn học yêu thích, và cũng là để đất nước có được những tài năng.