Hà Tông Quyền – bước đường hoạn lộ gập ghềnh – kỳ 3: Hai lần cứu vua Minh Mạng

Hai lần cứu vua Minh Mạng nhờ óc thông minh và tài phán đoán, Hà Tông Quyền vua coi là người “Triều đình không thể một ngày thiếu”.

Minh Mệnh chính yếu – cuốn sách Hà Tông Quyền làm chủ biên.

Những tác phẩm để đời

Hà Tông Quyền đã để lại một công trình sáng tác khá đồ sộ, về chữ Hán có: Nam du ; Tốn Phủ thi tập; Hà Tốn Phủ thi tập; Liễu Đường văn tập ; Thăng Long tam thập vịnh; Dương mộng tập còn có tên là Mộng dương thi tập. Đây là tập thơ ông làm trong chuyến đi công cán ở Nam Dương. Ngoài ra, ông còn là Chủ biên bộ sách Minh Mạng chính yếu (năm 1837).

Về chữ Nôm có: Vịnh Kiều tam thập thủ. Đây là tập thơ hưởng ứng cuộc thi vịnh Kiều do vua Minh Mạng khởi xướng năm 1830. Ngoài ra, theo Từ điển bách khoa Việt Nam, thì ông còn có: Một tập Vịnh Kiều gồm 15 bài thất ngôn tứ tuyệt, và một tập Tập Kiều gồm 15 bài thất ngôn tứ tuyệt.

Thơ Hà Tôn Quyền có bài lạc quan, một phần vì cuộc đời ông sớm thành đạt và được nhà vua trọng dụng… Nhưng đi sâu vào, nhiều bài thơ của ông cho thấy một nỗi niềm, có khi hơi chua xót, có khi trở thành giọng triết lý và thoáng một tâm sự cô đơn…

Đặc biệt, khi bị vua cách chức, buộc đi “dương trình hiệu lực” thì tiếng nói ưu uất càng bộc lộ rõ … Một số bài thơ khác phản ánh cuộc sống thanh đạm của tác giả. Nhưng trước sau vẫn cố gắng giữ lấy nếp sống thanh cao và phong cách cứng cỏi, không tự hạ thấp mình…

Nói về Mộng dương tập của ông, Từ điển bách khoa Việt Nam viết:… một số bài trong đó tỏ ý chán nản, băn khoăn về lẽ hành tàng, xem cuộc đời như giấc mộng.

Trong bài Khốc Đặng Thuận Xuyên (Khóc Đặng Thuận Xuyên), ông viết: Thán tức thử nhân chung thử địa – Tiêu điều đồng đạo cách đồng thì – Khả kham vãng giả hoàn lai giả – Tuy vị quân bi dã tự bi – Trùng dương mộng đoạn Ba-thành nguyệt – Thiên cổ danh lưu Thái học bi – Hậu tử hữu hoài không cảnh cảnh – Biên chu thiên đại dục giai thùy.

Dịch nghĩa: Đáng than thở cho người này vì đã mất ở đất này! Là người đồng đạo lại đồng thời, nghĩ càng hiu quạnh! Ngán nỗi người đi qua rồi, người sau lại đến – Tuy thương ông, mà cũng tự thương mình. Ngoài trùng biển cả, giấc mộng đời đã dứt hẳn dưới vầng trăng Ba-thành – Nghìn năm còn lưu danh trên tấm bia nhà Thái học, Người hậu tử này trong lòng luống những canh cánh không nguôi – Chiếc thuyền con buông trôi trong trời đất, biết cùng ai tá?

Triều đình không thể một ngày thiếu Quyền

Tông Quyền không phải là loại kẻ sĩ chỉ để lại văn chương suông trên đời, óc thông minh và tài phán đoán của ông đã cứu vua Minh Mạng hai lần.

Lúc bấy giờ do chính sách cứng rắn của nhà vua, khiến các nước Tây phương giận dữ. Lợi dụng kỹ thuật cao, họ đã chế hoả pháo bí mật cài vào áo và đèn cầy để làm quà, một lần vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830) nhân ghé tàu vào bến cảng, cho gửi quà dâng hiến vua. Nhất cử lưỡng tiện, chắc mục đích họ vừa muốn cảnh cáo lại âm mưu ám sát nhà vua, nhưng đã được Hà Tông Quyền phát giác trước.

Khi thương gia Tây Dương tiến áo cẩm bào, giá ngàn vàng; Quyền dâng lời: – Ðồ lạ của nước ngoài, không nên nhẹ dạ tin; xin cho tử tù mặc thử. Quả thật, khi gài nút thì lửa cháy, tù nhân bị lửa đốt chết. Nhà vua kinh hãi than phiền.

Sau đó có một nước khác tiến cặp 4 cây sáp linh cỡ lớn; Quyền xin bẻ 1 cây làm hai, thì ở trong chứa hoả pháo và thuốc khói mù, nhà vua lấy làm kỳ dị về tài năng, thường nói rằng: “Triều đình không thể một ngày thiếu Quyền! ”Lại bảo rằng: “ Tông Quyền về chính sự, Tế Mỹ về văn học, Nguyễn Công Trứ về thao lược; thật không thẹn với danh tiếng khoa bảng”. Nhà vua không chỉ ban ơn riêng, mà còn cho vời mẹ Quyền vào kinh đô, để tìm cách ưu đãi.

Ghi nhận công lao Hà Tông Quyền, TP HCM và Thành phố Đà Nẵng có con đường mang tên ông. Phan Thanh Giản có đôi câu đối điếu ông: Khai khoa sự nghiệp suy tiền bối – Tuyệt thế văn chương tất đại gia.

 Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top