Vua Minh Mạng.
Ba bốn năm lại bị một lần quở trách
Hà Tông Quyền giỏi về thù tiếp vâng mệnh, lại thông thạo thơ văn, được nhà vua khen không ngớt. Lại cùng với bọn Thân Văn Quyền, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Kim Bảng, Nguyễn Quốc Cẩm, Trần Danh Phi, Nguyễn Tán, Nguyễn Bá Thân vào Nội các.
Năm 1833, ông được thăng làm Hữu Thị lang bộ Công; năm 1835, làm Tham tri bộ Lễ, vẫn coi việc Nội các. Đến năm 1839, ông được thăng làm Tham tri bộ Lại sung đại thần Viện cơ mật.
Bước đường hoạn lộ của Hà Tông Quyền quá đỗi gập ghềnh, cứ ba bốn năm lại bị một lần quở trách hoặc giáng phạt với lý do không đâu vào đâu.
Ví như chuyện nhầm “Thanh Xuyên” thành “Thanh Châu”, hay như chuyện ông bị phạt 3 tháng lương chỉ vì một lẽ rất kỳ cục.
Số là năm 1834, có khoa thi Hương, các quan chấm trường Hà Nội lấy đỗ 37 cử nhân. Nhưng khi bài vở chuyển về kinh duyệt thì 4 người bị truất xuống bậc tú tài vì văn tầm thường và một người bị hỏng tuột do bài phú trùng vần. Hai viên chánh và phó chủ khảo bị giáng 3 cấp.
Người có trách nhiệm tổ chức các kỳ thi là Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực cũng bị giáng chức với lý do thiếu sáng suốt trong khi lựa chọn quan trường. Và kỳ cục thay, ông cũng bị phạt 3 tháng lương vì cái tội là… bạn của quan Thượng thư!
Năm 1839, Hà Tông Quyền mất đột ngột khi mới 41 tuổi, được phong hàm Thượng thư bộ Lại. Về việc này, có tài liệu viết rằng, lúc bấy giờ vào cuối triều, vua Minh Mạng định chọn người kế vị, nên họp các quan trọng thần và Hoàng thân quốc thích đến bàn.
Vì được tín nhiệm, nên trong buổi họp nhà vua đích thân hỏi ý kiến Hà Tông Quyền. Ông bắt buộc phải trả lời: – Xin Bệ hạ chọn Hoàng hậu trước; một khi Hoàng hậu được đặt, tức người kế vị đã có.
Chết mất xác
Cũng cần nói thêm rằng, triều Nguyễn theo chính sách triệt để độc tài: không đặt Tể tướng, kỳ thi Ðình không lấy Trạng nguyên, trong cung chưa lập Hoàng hậu. Vì Tể tướng, Trạng nguyên, Hoàng hậu quá cao, có khả năng lấn át vua. Nên khi đã chọn một bà phi làm Hoàng hậu, thì con bà đương nhiên được làm vua.
Câu nói chung chung của Hà Tông Quyền tưởng thoát được sự hận thù của các hoàng tử đang có ý giành ngôi báu; nhưng không ngờ lại gây sự giận dữ bởi một ông Hoàng em vua, vì một khi đã chọn Hoàng hậu, thì em vua hết đường hy vọng.
Ông Hoàng này là Kiến an công Ðài, con út của Hoàng Thái hậu, mẹ đẻ vua Minh Mạng, nên rất được cưng chiều. Ðang ôm niềm hy vọng được anh ruột nhường ngôi, thì trong buổi họp nghe Hà Tông Quyền nói như vậy, chẳng khác gì bị dội gáo nước lạnh vào mặt. Tan họp, vị Hoàng thân này mời Hà Tông Quyền đến nhà, mời uống rượu, rồi lấy chuỳ đánh vỡ đầu, vứt xác trôi sông…
Sau đó Kiến an công vào triều chịu tội và nói: – Tông Quyền rất nịnh, thần đã giết và chôn rồi. Khi vua biết thì mọi sự đã rồi, vì nể mẹ đành phải khoan thứ cho em, cho lụa bạch áo quan khâm liệm, ban cho tiền; mệnh quan dùng thuyền đi biển chở về quê an táng.
Năm sau đến Hà Nội, các quan tỉnh tế cúng. Quyền không có nhà thờ, vua cho tiền xây cất. Ðến năm Ất Tỵ (1845), con cháu làm lễ cải táng, mở hòm ra chỉ thấy quan tài không, bèn đến kinh đô tâu; có chiếu chỉ rằng: “Tử thi bị tiêu hủy mau, nên như vậy.”
(còn nữa)
Nguyễn Thành Hữu