Hạ khô thảo giảm huyết áp

Các chất tan trong nước có hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết áp lâu dài trên bệnh nhân và làm hết các triệu chứng khó chịu của bệnh cao huyết áp.

Cây có tên là hạ khô thảo vì theo người xưa cây này sau ngày hạ chí (mùa hạ) thì khô héo nên gọi là hạ khô thảo nhưng thực tế ở nước ta, mùa hạ cây vẫn tươi tốt. Hạ khô thảo tên khoa học là Brunella, thuộc họ Hoa môi. Cây có thân vuông màu hơi tím đỏ, lá mọc đối, hình trứng hay hình mác dài, mép nguyên hoặc hơi có răng cưa, có ít lông ở thân và lá.

Cụm hoa mọc ở đầu cành giống như bông do nhiều hoa có cuống ngắn mọc vòng, mỗi vòng có 5-6 hoa. Đài hoa có hai môi, môi trên có ba răng, môi dưới có hai răng, hình ba cạnh. Cánh hoa màu tím nhạt hình môi, Quả nhỏ cứng. Cây sống rất dai, có ở khu vực Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hà Giang vào các tháng 4, 5, 6, tháng 8 thì lụi.

Hạ khô thảo.

Ở Việt Nam, hạ khô thảo được thu hái vào mùa hè, khi một số quả đã chín thì hái cành mang hoa và quả sấy khô hay phơi khô dùng để làm thuốc. Dược liệu có thể nhẹ, chất giòn, mùi nhẹ, vị nhạt. Tính vị: đắng, cay, tính hàn, không độc. Quy kinh vào 2 kinh can, đởm.

Công dụng: thanh can hoả, tán uất kết, tiêu ứ sáng mắt, làm thuốc chữa loa dịch, giải trừ nhiệt độc ở tử cung và âm hộ. Nghiên cứu khoa học đã xác định trong cây có nhựa chất đắng, tanin, tinh dầu, chất béo, lipase, một glucosid tan trong nước (0,70g/kg cây khô) và một saponosid acid (1,10g).

Về tác dụng dược lý, thuốc sắc, dịch ngâm nước hạ khô thảo đều có tác dụng giảm thấp huyết áp động vật thực nghiệm rõ rệt. Thân, lá, bông và toàn cây đều có tác dụng giáng áp, nhưng tác dụng của bông rõ hơn. Tiêm vào xoang bụng chuột con dịch lắng cồn sắc nước hạ khô thảo có tác dụng chống viêm rõ rệt.

Thuốc sắc cũng có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn biến dạng, khuẩn cầu chùm và trực khuẩn lao thể người. Các chất tan trong nước có hạ khô thảo có tác dụng hạ huyết áp lâu dài trên bệnh nhân và làm hết các triệu chứng khó chịu của bệnh cao huyết áp.

Có nơi nhân dân Trung Quốc dùng nấu nước uống thay nước trà. Tài liệu cổ nói vị hạ khô thảo có tác dụng chữa loa lịch (lở loét, tràng nhạc, mụn nhọt, dò ở trên đầu) rất có công hiệu. Chủ trị mắt đỏ sưng đau, nhức đầu, chóng mặt, bướu cổ, tràng nhạc, tuyến vú tăng sinh, nhọt vú sưng đau, huyết áp cao.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 8 – 16g dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Bị đánh hay bị thương: Dùng hạ khô thảo tươi tán nhỏ đắp vào vết thương. Có thể dùng chữa bệnh cao huyết áp với liều 5-15g dưới dạng thuốc sắc.

BS Nguyễn Thị Lệ Quyên

Khoa Đông y, Bệnh viện Đa Khoa Hà Giang

Theo Đời sống
back to top