Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hòa Bình vừa có dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên, chế độ đối với chuyên gia, giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển của tỉnh tham dự các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Theo dự thảo, giáo viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên ở Hòa Bình, cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ mức 1 tỷ đồng/người. Giáo viên có trình độ tiến sĩ về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên sẽ được hỗ trợ tiền 300 triệu đồng/người.
Thông tin này đã thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục cho rằng, phần lớn những người học vị GS, PGS, TS hiện nay ở VN đang làm việc trong các trường đại học. Nếu về trường phổ thông, thế mạnh này không được phát huy sẽ rất lãng phí. Và chức danh phó giáo sư, giáo sư không phải là suốt đời, khi không nghiên cứu nữa, thì giáo sư hay phó giáo sư cũng chỉ là cái danh.
Hơn nữa, yêu cầu kiến thức của học sinh phổ thông, dù là học sinh trường chuyên, cũng chưa đến mức cần ở mức độ chuyên sâu của một giáo sư, phó giáo sư.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, nội dung dự thảo trên xuất phát từ mục tiêu muốn đưa giáo dục mũi nhọn cũng như giáo dục đại trà của tỉnh tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế tại địa phương. Theo đó, cần phải có chính sách đãi ngộ tương đối phù hợp với điều kiện phát triển xã hội thì mới thu hút được nhân tài.
Cũng theo ông Chương, hiện nội dung dự thảo trên đã được trình lên HĐND tỉnh và đang chờ kỳ họp tháng 6, 7 tới để HĐND xem xét. Khi được HĐND tỉnh thông qua, UBND sẽ thể chế thành chính sách chung của tỉnh