Giãn tĩnh mạch thừng tinh dễ gây vô sinh

(khoahocdoisong.vn) - 40% bệnh nhân vô sinh có giãn tĩnh mạch thừng tinh (GTMTT). GTMTT làm gia tăng nhiệt độ trong bìu và tinh hoàn nên làm tinh trùng yếu và chết. Việc điều trị chỉ đặt ra cho bệnh nhân trẻ có biểu hiện lâm sàng như vô sinh, đau và teo tinh hoàn tiến triển.

Không có biểu hiện và ít được phát hiện

GTMTT thường không có biểu hiện gì ngoài sờ thấy, nhìn thấy búi tĩnh mạch tinh giãn hoặc một vài tĩnh mạch tinh giãn đơn thuần. Tĩnh mạch tinh giãn thường ít được quan tâm, thường được phát hiện khi người bệnh đi khám hiếm muộn có tới 40% các trường hợp hiếm muộn vô sinh nam được chẩn đoán có GTMTT.

Số ít trường hợp GTMTT có triệu chứng khiến bệnh nhân đi khám như có cảm giác đau tức, nặng nặng ở bìu, đau không rõ ràng thành cơn, cơn đau thường xuất hiện sau khi đứng lâu ngồi nhiều nhưng khi nằm nghỉ ngơi thì lại tự đỡ. Hiếm gặp hơn nữa là teo tinh hoàn, tinh hoàn bên trái nhỏ và mật độ chắc hơn bên phải.

Nhiều giả thuyết cho rằng GTMTT làm gia tăng nhiệt độ trong bìu và tinh hoàn nên làm tinh trùng yếu và chết. Một số giả thuyết khác đưa ra do tình trạng ứ đọng tuần hoàn, hiện tượng đảo chiều shunt tức dòng máu chảy ngược từ tĩnh mạch vào mao động mạch hoặc chảy ngược từ tĩnh mạch thận vào tĩnh mạch tinh; bản thân việc ứ đọng tuần hoàn đã không có lợi cho quá trình sinh tinh hơn nữa một số tác giả còn cho rằng các chất như andrenomedulin (một peptide có tính giãn mạch được tiết ra ở tuyến thượng thận), catecholamin, prostaglandin... tăng cao ở tĩnh mạch thận trái dồn về tĩnh mạch tinh trái làm cản trở quá trình sinh tinh. Tuy nhiên đây chỉ là các giả thuyết đưa ra nhưng chưa có giả thuyết nào thực sự thuyết phục.

Điều trị sớm để có con tự nhiên

Việc điều trị chỉ đặt ra cho bệnh nhân trẻ có biểu hiện lâm sàng như vô sinh, đau và teo tinh hoàn tiến triển, còn lại phải nên cân nhắc điều trị cho bệnh nhân đã có con cái đầy đủ và không có biểu hiện lâm sàng khác.

Tiến hành điều trị qua từng bước, ban đầu nên tiến hành điều trị nội khoa bằng các thuốc tăng trương lực mạnh như Daflon, Ecsina các chất chống tác nhân oxy hoá (antioxydants) như: Vitamin E, Selem, Vitamin C... kèm theo chế độ ăn nhiều chất xơ, chống táo bón, chế độ sinh hoạt hợp lý tránh thức khuya, đứng lâu ngồi nhiều... Điều trị nội khoa và thay đổi chế sinh hoạt trong 3-6 tháng không có kết quả thì có thể cân nhắc việc điều trị ngoại khoa.

Có nhiều phương pháp mổ trong xử lý GTMTT như: Mổ mở qua đường ống bẹn, bùi, qua ổ bụng, hoặc mổ nội soi vi phẫu, tiếp theo đến thì xử lý tĩnh mạch sau đó dùng các kỹ thuật cột hoặc cắt các tĩnh mạch tinh giãn này lại. Phương pháp làm tắc mạch qua nội soi cũng đang được áp dụng ở các cơ sở y tế chuyên sâu hiện đại: Luồn một cathete vào tĩnh mạch đùi, sau đó luồn qua tĩnh mạch chủ bụng, tĩnh mạch thận, tĩnh mạch tinh rồi tìm đến đoạn giãn của tĩnh mạch tinh, kết thúc bằng việc bơm thuốc làm tắc các tĩnh mạch giãn này.

Phương pháp này khá hiệu quả, đặc biệt cho các trường hợp GTMTT tái phát sau mổ. Hơn nữa phương pháp này không xâm lấn các tổ chức khác. Hiệu quả của các phương pháp phẫu thuật trên những bệnh nhân đau, teo tinh hoàn do giãn tĩnh mạch tinh rất có ý nghĩa, hầu như sau mổ bệnh nhân đỡ đau hẳn. Trong việc điều trị vô sinh, hiệu quả cải thiện tinh trùng về chất lượng và số lượng là khá cao nhưng hiệu quả có thai tự nhiên sau mổ thì chưa được khả quan cho lắm, giao động từ 30-42%.

BS Nguyễn Bá Hưng (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top