Gia tăng trẻ mắc viêm màng não, phụ huynh cần lưu ý gì?

Viêm màng não trẻ em là căn bệnh nguy hiểm. Nếu không kịp thời phát hiện những dấu hiệu để điều trị, viêm màng não trẻ em có thể để lại nhiều di chứng, nặng có thể gây ra tử vong.

Màng não có cấu tạo gồm 3 lớp: màng cứng, màng nhện và màng mềm với chức năng bảo vệ hệ thần kinh trung ương.

Viêm màng não là tình trạng sưng, viêm màng não, màng bao phủ não và tủy sống khi tác nhân gây bệnh tấn công vào lớp màng não.

Viêm màng não có thể xảy ra ở có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em bởi nhiều nguyên nhân khác nhau gồm: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm và một số bệnh lý không nhiễm trùng.

Ngoài cách phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh, viêm màng não ở trẻ em có thể được phân loại theo mức độ nghiêm trọng của bệnh gồm cấp tính, mãn tính, bán cấp và tái diễn.

Gia tăng trẻ mắc viêm màng não, phụ huynh cần lưu ý gì? ảnh 1

Gia tăng trẻ mắc viêm màng não, phụ huynh cần lưu ý gì?

Nguyên nhân viêm màng não ở trẻ em

Theo thống kê cho thấy, virus là nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ phổ biến nhất, sau đó là vi khuẩn, nấm và một số bệnh lý khác. Tuy nhiên, viêm màng não do vi khuẩn là tình trạng nguy hiểm nhất với nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong cao.

Viêm màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenza týp B)

Bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ không được chủng ngừa. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm màng não mủ ở trẻ trong khoảng từ 1 – 3 tuổi.

Bệnh viêm màng não trẻ em do vi khuẩn Hib chủ yếu lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp.

Khi mắc bệnh, thời gian ủ bệnh thường dưới 10 ngày. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao và thường xảy ra trong những ngày đầu tiên.

Viêm màng não do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae)

Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm màng não do phế cầu khuẩn chính là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay, việc điều trị bệnh viêm màng não trẻ em do phế cầu khuẩn gây ra ngày càng khó khăn bởi việc sử dụng kháng sinh không còn hiệu quả cao.

Viêm màng não mô cầu (Neisseria meningitides)

Viêm màng não mô cầu có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau (phối hợp hoặc riêng rẽ) tại nhiều cơ quan trong cơ thể người như hệ thần kinh, mắt, đường hô hấp, màng tim, máu, khớp, đường tiết niệu và sinh dục. Tuy nhiên, hai bệnh thường gặp và quan trọng hơn là viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Trong đó, nhiễm trùng huyết tối cấp là nguyên nhân gây tử vong nhanh chóng, mặc dù bệnh đã được điều trị tích cực.

Viêm màng não trẻ em do mô cầu là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian ủ bệnh trong khoảng từ 1 - 10 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột, với các dấu hiệu tương tự bệnh cảm cúm như: nhức đầu, ho, đau họng, mệt mỏi, ... Tiếp theo, người bệnh sẽ bị sốt cao, khoảng 39 – 40 độ C, nhức đầu, buồn nôn và nôn, cơ thể thấy ớn lạnh và rét run, đau khớp, đau cơ, đặc biệt là đau ở vùng sống lưng và hai chân. Người bệnh bị tụt huyết áp, mạch đập nhanh, có thể bị sốc (hiếm khi xảy ra).

Một trong những triệu chứng điển hình của viêm màng não mô cầu là xuất huyết ban, chủ yếu ở các vùng nách, hông, quanh các khớp khuỷu, gối, cổ chân. Ban có dạng giống như các nốt phỏng, lan rộng, thường xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày sau khi sốt.

Dấu hiệu điển hình cảnh báo viêm màng não trẻ em

Sốt cao kèm co giật: dấu hiệu dễ nhận biết nhất, ban đầu trẻ có thể chỉ bị sốt nhẹ và dần chuyển sốt cao đến mức báo động. Nhiều trẻ sốt kèm co giật gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp điều trị ngay.

Chán ăn, ăn bị nôn trớ: trẻ bị nôn, trớ do đầy chướng bụng, trẻ chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú, lười ăn, quấy khóc. Cùng với biểu hiện sốt, đây rất có thể là dấu hiệu trẻ bị viêm màng não. Để cải thiện tình tình này, cha mẹ nên thử chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và theo dõi trẻ thêm

Trẻ không tỉnh táo, trong trạng thái mơ màng: có dấu hiệu ngủ nhiều hơn bình thường, khó đánh thức dậy, mơ màng, lúc mơ lúc tỉnh. Cha mẹ sẽ thấy trẻ kém lanh lợi, bơ phờ, trẻ kém nhạy cảm, hay cáu gắt, việc vận động cơ thể sẽ khiến trẻ thấy đau, không muốn được bế...

Khó cử động vùng cổ, cứng cổ là dấu hiệu đặc trưng của viêm màng não ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện trẻ khó quay đầu, đau khi di chuyển cổ.

Thóp thở phồng hơn so với bình thường. Hệ miễn dịch giảm, sức đề kháng yếu khiến trẻ yếu ớt, thiếu sức sống.

Có dấu hiệu chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nhiễm trùng tai, nghẹt thở xảy ra cùng một thời điểm hoặc ngay trước sau các triệu chứng khác.

Nếu thấy dấu hiệu viêm màng não trẻ em cần làm gì?

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu cảnh báo trên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, hoặc cho trẻ uống các loại lá. Nếu trì hoãn và chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh do bệnh được điều trị muộn.

Bệnh viêm màng não trẻ em có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vaccine. Tại Việt Nam hiện đều có vaccine phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và mô cầu các nhóm. Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và lưu lại việc chủng ngừa của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đúng lịch và đầy đủ.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top