1 tháng hơn 20 bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não
Ngày 10/6, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đưa ra cảnh báo gia tăng tình trạng viêm não, viêm màng não ở trẻ. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 50 bệnh nhi mắc viêm não, viêm màng não.
Đặc biệt, trong vòng 1 tháng trở lại đây, 20 bệnh nhi viêm não, viêm màng não đã được điều trị tại đây, tăng gấp khoảng 10 lần so với các tháng trước đó. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, thậm chí hôn mê, phải thở oxy và thở máy.
Từ phim chụp cộng hưởng từ của 1 bệnh nhi bị tổn thương não nặng, được điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá. Các bác sĩ cho biết: đây là trường hợp được đưa vào muộn, khi đã bị suy hô hấp, cấp cứu trong tình trạng lơ mơ và được chẩn đoán điều trị theo dõi viêm não Nhật Bản.
Mẹ bệnh nhi cho biết: "Biểu hiện ban đầu của cháu là sốt, đau đầu, 2 ngày ở nhà uống thuốc ở nhà không hạ. Đưa đi bệnh viện huyện 1 ngày 1 đêm nhưng không hạ. Các bác sĩ chuyển tuyến lên đây trong tình trạng yếu quá rồi".
Cũng có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, một bệnh nhi 9 tuổi khi nhập viện được bác sĩ chẩn đoán viêm màng não và được tiến hành điều trị sớm. Mẹ bệnh nhi cũng cho biết: "Sau nhập viện bác sĩ kết luận bị viêm màng não. Trong thời gian điều trị gia đình rất lo lắng, sau 2 ngày hạ sốt, được bác sĩ điều trị kịp thời đã âm tính, đỡ và hôm nay ra viện".
ThS.BS Trịnh Văn Lực, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết: Bệnh viêm não, viêm màng não là những bệnh lý nhiễm trùng màng bao phủ não, nguyên nhân hầu hết là do virus gây ra, tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.
Đây là những bệnh có nguy cơ để lại di chứng nặng nề, tuy nhiên lại rất dễ nhầm lần với những bệnh sốt thông thường khác như nhiễm siêu vi, viêm mũi họng, viêm cơ hô hấp.
Chăm sóc bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não tại bệnh viện - Ảnh BVCC |
Nhiều vi khuẩn, virus gây viêm não, viêm màng não
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học các bệnh nhiệt đới trẻ em, viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli... Khi đó, màng ngoài của não sẽ bị vi khuẩn tấn công, tỉ lệ tử vong khi mắc viêm màng não lên tới 50% nếu không được điều trị.
Thống kê của BV Nhi TW cho thấy, tỉ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.
Bệnh viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.
Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu, quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.
Điều đáng nói, các bệnh viêm não, viêm màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn....
Tuy nhiên cũng có trẻ cũng không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, hay trớ, chán ăn... Do đó việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn
Ở giai đoạn muộn trẻ có các triệu chứng thần kinh như: lờ đờ, kích thích vật vã, co giật, hôn mê... Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu sớm của trẻ. Khi thấy trẻ sốt cao, uống hạ sốt không đỡ, kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ, phụ huynh cần đưa trẻ vào viện ngay. Tuyệt đối không nên giữ trẻ ở nhà điều trị dẫn đến hôn mê, co giật mới đưa đến viện, lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn, để lại di chứng nặng nề.
Tiêm vắc xin để phòng bệnh
Các chuyên gia cảnh báo, trong mùa hè cần đặc biệt chú ý đến 2 loại viêm não dễ gây thành dịch và để lại di chứng nặng nề là não mô cầu và viêm não nhật bản.
Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc là: 2.3/100.000 dân. Bệnh có 4 nhóm chính là A, B, C và D và những nhóm huyết thanh gây bệnh như: W-135, X, Y và Z. Ở Việt Nam có bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi và là bệnh xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất (0,03/100.000 dân).
Hiện tỷ lệ người lành mang trùng cao, 5-10% tổng dân số, chủ yếu là thanh thiếu niên. Cứ 4 thanh thiếu niên thì có một người mang trùng trong vùng hầu họng. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn. Trong khi đó, những người này không biểu hiện ra bên ngoài, khi tiếp xúc với người khác có hệ miễn dịch yếu hơn, như trẻ dưới 5 tuổi, người trên 60 tuổi, sẽ lây lan âm thầm và gây bệnh.
Còn viêm não nhật bản là tình trạng nhiễm trùng não, gây ra do virus viêm não Nhật bản lây truyền qua đường trung gian muỗi đốt. Tỉ lệ tử vong ở những người bị có thể lên tới 30%.
Hiện, những ca mắc viêm não ở nước ta chủ yếu là do không tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ mũi, dễ thấy nhất là các trường hợp bỏ quên các mũi tiêm nhắc. Bệnh không có điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng với chi phí rất tốn kém. Vì vậy, biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ.
"Tất cả các cháu đã bị viêm não thì thường có triệu chứng ban đầu là sốt cao, thậm chí là không đáp ứng thuốc hạ sốt và kèm theo đó là dấu hiệu suy giảm tri giác, nặng hơn có thể hôn mê, co giật, thậm chí có viêm não cấp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng" – ThS.BS Trịnh Văn Lực cảnh báo