Dùng thuốc gì khi bị cảm lạnh?

Những triệu chứng của bệnh cảm lạnh như hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi… thường gây khó chịu và làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, lao động và học tập khiến nhiều người bệnh sử dụng ngay các loại thuốc không cần kê đơn (OTC). Điều này có nên không?

Cảm lạnh là một trong những bệnh lý mà con người hay mắc phải nhất, với trung bình 2-4 lần/năm đối với người lớn và 4-8 lần/năm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Bệnh xuất hiện khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng và bị các chủng virut tấn công. Các triệu chứng phổ biến có thể kể đến như hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi trong, nghẹt mũi dẫn đến khó thở, đau đầu, chóng mặt, sốt, ho...

Thông thường bệnh có thể tự khỏi và cơ thể tự hồi phục trong vòng từ 7-10 ngày đối với người lớn và từ 10-15 ngày đối với trẻ nhỏ mà không cần phải sử dụng bất kỳ loại thuốc gì. Tuy nhiên, trong quá trình cảm lạnh, người bệnh (đặc biệt là trẻ nhỏ) thường hay bị bội nhiễm và ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa... cần được chữa trị tại các cơ sở y tế.

Các nhóm thuốc thường dùng

Thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi: Thường dùng các thuốc kích thích thần kinh giao cảm đường uống như ephedrine, pseudoephedrine, phenylephrine... và thuốc dùng qua mũi như naphazolin, oxymetazolin, xylometazoline... Ngoại trừ các thuốc thông mũi tại chỗ, bằng chứng về tính hiệu quả của các thuốc thông mũi đường uống (dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau, chống viêm) còn hạn chế.

Khi dùng các thuốc này có thể gặp các nguy cơ như mất ngủ, buồn ngủ, đau đầu, rối loạn tiêu hóa; Sử dụng thời gian dài có thể dẫn tới nghẹt mũi mạn tính. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không sử dụng các thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi cho trẻ dưới 2 tuổi.

Thuốc kháng histamin: Các thuốc này giúp hạn chế tiết dịch đường hô hấp, giảm nghẹt mũi, giảm kích ứng, giảm phù nề niêm mạc đường hô hấp. Thuốc kháng histamin thế hệ 1 (alimemazin, clorpheniramin, promethazine...) có tác dụng an thần, giúp làm giảm chảy nước mũi và hắt hơi nhưng không hiệu quả trong giảm ngạt mũi nói chung. Các nguy cơ khi dùng nhóm thuốc này như gây buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn tâm thần - vận động...

Thuốc giảm đau và hạ sốt: Nhóm thuốc thường dùng là acetaminophen (paracetamol) và nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm không steroid (NSAIDs) như acetylsalicylic acid (aspirin), ibuprofen, naproxen, diclofenac... Thuốc hạ sốt acetaminophen chỉ nên dùng khi đau đầu và sốt cao do có tác dụng giảm đau và hạ sốt tốt, không có tác dụng làm giảm các triệu chứng khác.

Thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm không steroid (NSAIDs) có tác dụng giảm đau nên có thể sử dụng khi đau đầu, mà không có tác dụng làm giảm các triệu chứng khác của cảm lạnh. Các nguy cơ có thể gặp khi dùng hai nhóm thuốc này là dị ứng trên da, phù, rối loạn tiêu hóa. Có thể xuất hiện phản ứng phản vệ với tỷ lệ rất hiếm gặp.

Thuốc corticosteroid dùng qua mũi như budesonide, fluticason furoat/propionate... có khả năng làm thuyên giảm các triệu chứng của cảm lạnh, tuy nhiên có thể gặp các nguy cơ như rối loạn cảm xúc, phản ứng loạn thần, rối loạn hành vi...

Ngoài ra, khi bị cảm lạnh các loại thảo dược, vitamin và khoáng chất, các loại máy xông mũi, tạo ẩm cho mũi, thuốc giảm ho, thuốc long đờm, thuốc kháng sinh... cũng thường được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý trong đa số các trường hợp những thuốc này không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp, thậm chí khiến bệnh nặng thêm.

Lưu ý khi dùng thuốc

Đối với người lớn, khi bị cảm lạnh với những triệu chứng đầu tiên xuất hiện gây khó chịu trên đường hô hấp, một trong những lựa chọn tối ưu nhất là sử dụng thuốc nhỏ mũi và thuốc kháng histamine với thời gian sử dụng tối đa không quá 7 ngày. Sau đó tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh để cân nhắc sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt và các loại thuốc khác.

Trong phần lớn trường hợp đau họng, ho và đờm có thể tự thuyên giảm mà không cần sử dụng loại thuốc nào. Chỉ sử dụng các thuốc kháng sinh khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới nghiêm trọng và kéo dài. Không nên sử dụng thuốc giảm ho vì khi giảm phản xạ ho đồng nghĩa với việc hạn chế khạc đờm ra khỏi đường hô hấp, dẫn đến ứ đọng kéo dài, làm nặng thêm tình trạng bội nhiễm.

Đối với trẻ nhỏ, việc sử dụng thuốc cần hết sức thận trọng. Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc thông mũi và các thuốc có chứa thuốc kháng histamin H1 cho trẻ dưới 6 tuổi và cân nhắc cẩn thận khi sử dụng cho trẻ từ 6-12 tuổi vì chúng có thể gây ức chế thần kinh trung ương và gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí đã có trường hợp nghiêm trọng như co giật, tăng nhịp tim và tử vong, đặc biệt là trên trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia khuyến cáo không nên sử dụng các thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ em dưới 2 tuổi do có thể gây suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

Nhìn chung, cơ thể có khả năng tự đánh bại cảm lạnh mà không cần có sự trợ giúp của dược phẩm. Chỉ một số rất ít các loại thuốc (cả kê đơn và không kê đơn) có đầy đủ bằng chứng chứng minh hiệu quả trong điều trị cảm lạnh, bên cạnh đó việc sử dụng thuốc luôn tiềm ẩn nhiều phản ứng có hại đối với cơ thể.

Lối sống lành mạnh và ý thức xây dựng một sức đề kháng tốt là chìa khóa giúp chúng ta có được một cơ thể khỏe mạnh và chiến thắng được bệnh tật luôn rình rập xung quanh.

Theo suckhoedoisong.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top