Hoạt động ngoại khóa giúp khám phá bản thân mình tốt hơn
Trên một diễn đàn sinh viên, tâm sự: “Mình không giỏi giao tiếp, rất nhút nhát, cũng không có năng khiếu gì đặc biệt, liệu có thể tham gia CLB nào không? Nhìn thấy các bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa sôi nổi, mình thấy buồn, lạc lõng quá” đã nhận được hàng trăm lượt bình luận, tư vấn. Có lẽ bởi nó đã đánh trúng tâm lý của không ít tân sinh viên trong những ngày đầu bỡ ngỡ vừa nhập học.
Những vấn đề mà sinh viên gặp phải đối với hoạt động ngoại khóa thường là: Có quá nhiều CLB trong trường, không biết mình phù hợp với CLB nào; sự cạnh tranh để vào được CLB tương đối “khốc liệt”, khiến đôi khi sinh viên không thể “chen chân”; Làm thế nào để cân bằng được giữa việc học đầy áp lực với việc dành thời gian tham gia CLB…
Trao đổi về vấn đề này, ThS Hoàng Tuấn Dũng, Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó giám đốc TT Hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ, đối với trường ĐH Ngoại thương, mảng hoạt động ngoại khóa rất mạnh ở 3 cơ sở với gần 70 câu lạc bộ.
Các hoạt động của SV trường ĐH Ngoại thương rất độc lập và tự chủ, các chương trình do các sinh viên đề xuất lên Đoàn TN Trường. Sinh viên có thể lựa chọn, tham gia bất cứ một lĩnh vực nào.
Tuy nhiên, việc xin, thi được vào CLB của Trường ĐH Ngoại thương được đánh giá còn khó hơn là thi đại học. Cho nên các bạn có một áp lực nho nhỏ trong việc tìm cho mình một hoạt động. Đặc biệt, đối với các bạn sinh viên năm thứ nhất thì đây sẽ là một môi trường khá cạnh tranh khiến có trường hợp các bạn sẽ không thể tham gia được vào một hoạt động nào cả.
Vậy sinh viên có cần phải tham gia hoạt động ngoại khóa hay không? “Với vai trò là Bí thư Đoàn trường, đồng thời là người tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên thì quan điểm của tôi là nên khuyến khích các bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa. Vì chỉ qua quá trình tham gia hoạt động ngoại khóa, các bạn mới có thể tìm hiểu và khám phá bản thân mình tốt hơn”, ông Tuấn chia sẻ.
Thực tế có nhiều bạn sinh viên năm thứ 3, thứ 4 rồi vẫn cứ loay hoay không biết mình thích gì, sau này mình như thế nào, công việc ra làm sao. Việc tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ giúp các bạn ở góc độ là kể cả bạn chưa tìm được cái bạn thích thì trong quá trình tham gia hoạt động ngoại khóa có thể ít nhất tìm ra được những gì mình không thích thì sau này tránh đi. Còn nếu tìm được sở thích sau này gắn bó suốt đời, và thậm chí kiếm tiền từ sở thích đó thì sẽ theo đuổi.
Như vậy, việc tham gia các hoạt động tình nguyện, hội nhóm, sẽ giúp cho các bạn khám phá được bản thân, biết được mình đang ở đâu như thế nào và có các xu hướng về sở thích ra sao để các bạn thứ nhất chọn được ngành phù hợp, thứ hai là chọn được hướng đi trong tương lai.
Nhiệm vụ đầu tiên vẫn là học tập
“Cuộc đời tôi vốn là một đường thẳng, tham gia xung kích mà rẽ ngang... Khi tham gia xung kích tôi thay đổi nhiều lắm. Tôi nhận ra tôi đang thay đổi từng ngày: Sẽ không còn là cô gái nhút nhát, bị anh chị trêu hay dọa tí là đỏ mặt, mà thay vào đó là cô gái năng động và tự tin hơn, có thể vặn lại ngay nếu bị trêu.
Điều đó cho tôi biết, trên đời này có rất nhiều điều tuyệt vời mà nếu tôi không dũng cảm bước ra “vùng an toàn” của chính mình, tôi sẽ chẳng thể nào cảm nhận được”, đó là chia sẻ của một sinh viên trên trang fanpage của CLB Thanh niên Xung kích, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Sự thay đổi ấy, tất nhiên, đến từ chính những hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa của CLB mà sinh viên đó tham gia. Tuy nhiên, theo bạn sinh viên này, việc làm sao để cân bằng giữa việc học tập đầy áp lực với thời gian tham gia câu lạc bộ là sự băn khoăn của không ít sinh viên.
ThS Hoàng Tuấn Dũng chia sẻ, làm thế nào để cân bằng giữa việc học và ngoại khóa là một câu hỏi khó, vì nó phụ thuộc vào từng người. Ở Trường ĐH Ngoại thương, có những em vừa là chủ tịch một hội nhóm lại vừa giữ được kết quả xuất sắc.
Nhưng nếu ai cũng lấy đó làm tấm gương ép mình vào thì rất khó. “Lời khuyên của tôi vẫn đặt học tập lên hàng đầu. Nếu như các bạn chưa giữ được kết quả học tập của mình ở mức chấp nhận được, mà nên hướng tới tấm bằng giỏi thì tốt nhất các hoạt động ngoại khóa nên giữ ở mức vừa phải. Để làm thế nào nó không ảnh hưởng tới việc học tập chính thống ở trên trường”, ThS Dũng chia sẻ.
Có trường hợp quá ham mê hoạt động ngoại khóa đến mức có thể nghỉ học chứ không nghỉ hoạt động ngoại khóa, điều này nên tránh. Vì mỗi ngày trên lớp là một kiến thức mới và cách tiếp cận mới, là nền tảng cho tư duy các em sau này. Còn ngoại khóa thì bổ trợ các kỹ năng cho mình. Nên lời khuyên của tôi là đừng bao giờ bỏ học để đi tham gia các hoạt động ngoại khóa.
ThS Hoàng Tuấn Dũng