Doanh nghiệp dịch vụ ăn uống: Đóng cửa, trả mặt bằng hàng loạt vì kẹt tiền

Do thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B) trên địa bàn TPHCM phải đóng cửa vì áp lực tài chính tăng cao.

Doanh thu gần như bằng 0

Mới đây, quán ăn The Sushi Bar trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM thông báo đóng cửa. Lý do, đại diện quán ăn The Sushi Bar cho biết, thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội của chính quyền TPHCM, quán đã đóng cửa trong nhiều tháng, doanh thu gần như bằng 0.

Khi chính quyền nới lỏng giãn cách, quán mở bán lại với hình thức bán mang về, nhưng doanh thu không đủ bù chi cho các khoản cố định như: tiền xét nghiệm cho nhân viên đến quán bán hàng, tiền mặt bằng, lương nhân viên…

“Chúng tôi đành phải ngưng hợp đồng với đơn vị cho thuê mặt bằng, dừng hoạt động” - đại diện quán ăn The Sushi Bar cho biết.

Theo thống kê quý 3/2021 của Savills Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh vừa và nhỏ đã phải kết thúc hợp đồng sớm hoặc ngưng tái kí hợp đồng thuê địa điểm để kinh doanh.

Nhiều cửa hàng tại khu vực trung tâm TPHCM đóng cửa khiến công suất tại khu vực này giảm 2 điểm phần trăm, giá chào thuê giảm 2% theo quý. Chỉ có một số ít khách thuê vẫn hoạt động trong suốt quá trình giãn cách nghiêm ngặt tại thành phố là các cửa hàng bán lẻ hiện đại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị…

Từ đầu tháng 10, khi giãn cách tại TPHCM được nới lỏng, các trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa trở lại, Savills Việt Nam đã tiến hành khảo sát các khách thuê tập trung chủ yếu vào nhóm F&B.

Điểm nổi bật từ kết quả khảo sát cho thấy các khách hàng nhóm F&B đang hoạt động thiên về hình thức giao hàng tận nơi, hơn là khách đến tận cửa hàng để ăn uống.

Các khách thuê F&B cho biết doanh thu chỉ ở mức khoảng 20 - 30% so với thời điểm tháng 4 - 5, khi mà việc giãn cách chưa quá nghiêm ngặt.

Đối với nhóm khách thuê mới, trong ngắn hạn, các thương hiệu nước ngoài thâm nhập vào thị trường bằng hình thức phân phối trực tiếp có thể sẽ trì hoãn việc thuê, do những hạn chế trong vấn đề đóng cửa biên giới.

anh-1(2).jpg

Quán ăn The Sushi Bar trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM đóng cửa, trả mặt bằng.

Dừng hoạt động để tiếp tục tồn tại

Về phía chủ cho thuê, hầu hết vẫn duy trì giá chào thuê tương đối ổn định theo quý và theo năm đạt 49USD/m2/tháng. Tuy nhiên, các chủ nhà cũng có động thái điều chỉnh chính sách tốt hơn cho các khách thuê mới. Như kéo dài thời gian sửa chữa trong thời gian đầu, hoặc giảm từ 30 - 50% trong 3 - 6 tháng cho các hợp đồng ký mới từ 3 - 5 năm.

Với khách thuê hiện hữu, chủ nhà cũng có những hỗ trợ, với nhiều dự án giảm giá đến 70% giá thuê mỗi tháng cho đến khi hoạt động trở lại. Hoặc trực tiếp miễn phí các tháng không thể mở cửa, song song với đó là giảm 50% giá dịch vụ.

Tuy nhiên, ngành nghề F&B là một trong những phân khúc chịu tác động nặng nhất khi giãn cách xã hội. Do đó, thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp.

Trong đó, có cả những thương hiệu nổi tiếng, luôn thu hút được nhiều khách hàng trong thời điểm trước đây như Starbucks, The Coffee House…

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam cho biết, chi phí mặt bằng chiếm rất lớn trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B, kế đó là nhân lực.

Thêm vào đó, trong thời gian qua, để đảm bảo được an toàn trong mùa dịch, các cơ quan chức năng yêu cầu các nhân viên muốn đi làm lại bình thường thì ít nhất là phải được tiêm ngừa văcxin đầy đủ - đây cũng là một trong những trở ngại đối với doanh nghiệp.

“Chính vì vậy, việc trả mặt bằng sớm của một hoặc nhiều địa điểm trong chuỗi cửa hàng được đánh giá là chiến lược hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là do họ đang cố gắng cân đối chi phí để có thể giữ được những cửa hàng hiệu quả cầm chừng trong thời gian ít nhất là ba tháng tới, trong quý 4/2021…”, bà Trang cho biết.

Trước sức ép về tài chính do dịch Covid-19, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống tại TPHCM đang đối mặt với tình trạng trả mặt bằng hàng loạt. Theo Cục Thống kê TPHCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại TPHCM đạt 4 tỷ USD, giảm 64% theo quý và 71% theo năm trong quý III/2021.

Theo Đời sống
back to top