Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone có còn phù hợp?

Nhiều ý kiến khác nhau cho rằng người nghiện chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp nên dùng Methadone không có tác dụng trong điều trị nghiện.

Mới có 33% người nghiện được điều trị

Từ năm 2008, Việt Nam bắt đầu triển khai việc điều trị nghiện các các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tính đến hết tháng 9/2017, việc điều trị bằng Methadone đã được triển khai ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; điều trị cho hơn 52.500 bệnh nhân tại 302 cơ sở điều trị.

Uống thuốc cai nghiện ma túy

Điều trị nghiện bằng Methadone đã được các nước trên thế giới và ở Việt Nam đánh giá đem lại nhiều hiệu quả cho người nghiện, gia đình họ và xã hội. Nhờ Methadone, số người nghiện đã giảm và thậm chí tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp trong khi chi phí điều trị rất thấp.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Nếu không tham gia điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone, trung bình một người bị nghiện ma túy tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (khoảng 84 triệu đồng/năm), trong khi đó, chi phí điều trị bằng Methadone trung bình chỉ khoảng 6- 8 triệu đồng/bệnh nhân/năm, cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 4.387 tỷ đồng/năm.

Việc điều trị nghiện ma túy bằng Methadone cũng đã góp phần làm giảm tỷ lệ tiêm chích ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, từ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu như HIV.

Theo số liệu khảo sát tại Việt Nam, trong vòng 24 tháng ở 956 người bệnh điều trị Methadone cho thấy, chỉ có 1 người chuyển thành dương tính HIV.

Bên cạnh đó, khi tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại các cơ sở y tế, người bệnh còn được cung cấp thông tin về các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV như: Tình dục an toàn, không dùng chung bơm kim tiêm… Đối với người bệnh có HIV dương tính sẽ được giới thiệu chuyển gửi và điều trị sớm giúp giảm khả năng lây nhiễm cho người khác.

Mặc dù hiệu quả của việc điều trị nghiện ma túy bằng Methadone đã rõ, tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay toàn quốc có khoảng 52.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone, chiếm khoảng 33% số người nghiện chất dạng thuốc phiện. Hiện nay việc tiếp cận điều trị vẫn còn rất khó khăn tại các tỉnh miền núi, là các tỉnh trọng điểm về ma túy. Các cơ sở điều trị chủ yếu nằm ở tuyến quận/huyện, trong khi nhiều địa phương miền núi khoảng cách từ nhà đến huyện lên tới hơn 60 km, rất khó tiếp cạn với dịch vụ điều trị Methadone cũng như các dịch vụ y tế khác.

Ông Cảnh cho biết: Trong những năm gần đây, nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế, làm ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong đó có điều trị nghiện ma túy bằng Methadone. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu nhân lực và kinh phí. Việc tuyên truyền về Methadone chưa sâu rộng, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình, vẫn còn những thông tin trái chiều về chương trình.

Cần tiếp tục mở rộng triển khai

Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, Methadone không có tác dụng điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp như ma túy đá, thuốc lắc… trong khi đó người nghiện ma túy hiện nay chủ yếu là ma túy tổng hợp nên tiếp tục triển khai điều trị bằng Methadone là không thực sự cần thiết.

Về vấn đề này, ông Cảnh cho biết: Việc triển khai điều trị nghiện ma túy bằng Methadone vẫn quan trọng và cần tiếp tục triển khai. Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, hiện cả nước có hơn 210.700 người nghiện ma túy trong đó nghiện ma túy tổng hợp là hơn 20.700 người, chỉ chiếm 9,8%.

Trong khi đó, số người nghiện các chất dạng thuốc phiện là hơn 159.800 người, chiếm tới gần 76%. Cho dù có sự thay đổi thì số người nghiện heroine, thuốc phiện vẫn đang chiếm đa số. Vì vậy, việc điều trị Methadone vẫn cần thiết và phải đáp ứng khi người nghiện có nhu cầu điều trị.

Cũng theo ông Cảnh, để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách; tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc Methadone tại tuyến xã,phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi. Đồng thời, triển khai điều trị bằng các thuốc khác như Suboxone – buprenorphin,naloxone… Tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn. Ngành Y tế sẽ tham gia hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thuốc điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ…

Bên cạnh điều trị nghiệm ma túy bằng Methadone, Bộ Y tế cũng đang triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine với tính an toàn cao hơn. Buprenorphine là chất đồng vận bán phần với các chất dạng thuốc phiện, do đó Buprenorphine có tác dụng tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn do Buprenorphine có tác dụng gây ngủ, giảm đau nhưng không gây tăng dung nạp và không gây khoái cảm. Đặc biệt, người bệnh chỉ cần uống thuốc 3-4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị cho 1 tuần.

(Theo Tin tức)

Theo Đời sống
Thường xuyên thức khuya.... đột quỵ dễ "ghé thăm"

Thường xuyên thức khuya.... đột quỵ dễ "ghé thăm"

Hiện nay, với cuộc sống bận rộn và áp lực công việc, việc thức khuya đã trở thành một thói quen phổ biến. Tuy nhiên, ít ai biết thói quen này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là nguy cơ đột quỵ.
back to top