Con đường độc đạo dẫn vào bản ma túy nóng nhất – bản Thôm.
Cả nhà đi buôn
Ông Lường Văn Tiển – Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn bảo chúng tôi: “Trước khi là xã ma túy, Thôm Mòn là xã điểm toàn diện trong phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp, đi đầu trong việc xây dựng mô hình HTX “Ba nhất” ở Sơn La. Ngày ấy Thôm Mòn còn nghèo nhưng làng bản đâu đâu cũng bình yên, gia đình nào cũng ấm êm hạnh phúc”.
Quả thật, những điệu múa sạp, múa nón, múa quạt… mang đậm bản sắc văn hoá Thái, đã theo chân các trai thanh gái lịch Thôm Mòn làm nghiêng ngả trái tim của hàng vạn khán giả ở Hoà Bình, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Nội… giành được nhiều phần thưởng giá trị trong các kỳ thi hội diễn…
Thế rồi, trong lúc vàng son, Thôm Mòn đang tự đánh mất mình, danh từ riêng Thôm Mòn vẫn được nhắc đến nhưng không phải trên các diễn đàn tổng kết thi đua, mà trong những phiên toà hình sự các cấp.
Ông Tiển bảo: “Có gia đình cả nhà đi buôn đấy, chồng vào tù thì vợ ở nhà buôn, mẹ đi tù thì con cái tiếp nghề. Thôm Mòn trở thành điểm trung chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Ở đây, thông thường kẻ nghiện thường hay kết hợp đi buôn”.
“Chính quyền địa phương đã nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên chúng tôi phải thừa nhận việc tuyên truyền vận động chưa sát với thực tế. Một bộ phận nhân dân còn e dè chưa đồng tình và không dám đấu tranh với ma túy. Ma túy ở Thôm Mòn đã giảm nhưng nó sẽ bùng phát tiếp nếu chúng ta lơ là”, ông Lường Văn Tiển – Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn.
Người ta còn nhớ mãi vụ án ma túy đầu tiên mà tất cả các đối tượng đều là người Thôm Mòn. Vào năm 1998, công an Điện Biên (Lai Châu) đã bắt quả tang một vụ vận chuyển ma tuý trái phép, thu giữ 1,45kg heroin và 7,6kg thuốc phiện cùng 70USD giả cùng một số tiền kíp Lào.
Qua bản khai cung, ban chuyên án ngạc nhiên vì cả 3 đồng phạm đều có hộ khẩu thường trú tít tận xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La gồm các tên: Lò Văn Chinh, Lường Văn Tính và Lò Văn Châu, dân tộc Thái.
Từ đó, “phong trào” buôn ma túy ở Thôm Mòn bắt đầu phát triển. Chỉ vài năm sau, tức là năm 2002 toàn xã đã có 256 đối tượng liên quan đến các loại tội danh về ma tuý, 198 con nghiện, 68 phạm nhân đang thụ hình, 15 đối tượng có lệnh truy nã khẩn cấp, 9 án chung thân, 4 án tử hình.
Cũng giống như các làng ma túy khác, Thôm Mòn tổ chức buôn bán theo “hệ gia đình” để cùng tin tưởng nhau và đảm bảo “lãi suất” thuộc về một dòng tộc. Như gia đình Quàng Văn Chung có 6 người đã bị bắt có dính líu đến ma túy.
Còn vợ chồng Lò Văn Hỏa và Cà Thị Hoạn đã từng một thời làm mưa làm gió trên khắp các “cung đường ma túy”. Vợ chồng Hỏa – Hoạn xây dựng được một đường dây buôn bán quy mô lớn với tinh chất tinh vi.
Tuy nhiên, “ma quỷ” đã không thể thắng công lý khi các trinh sát thâm nhập được vào bên trong đường dây và tóm gọn vợ chồng Hỏa – Hoạn trong một chiến dịch truy quét lớn.
Cuốn sổ ghi chép tội phạm ma túy ở Thôm Mòn.
Trong cơn “lốc trắng”
Theo tìm hiểu chi tiết của chúng tôi, với thời giá hiện giờ để vận chuyển trót lọt một cặp heroin gồm 2 bánh với trọng lượng tối đa 0,64kg từ biên giới Việt – Lào về Hà Nội, riêng phần lãi đã ở mức trên 160 triệu đồng. Với mức lãi như vậy thì không loại hàng hóa nào có thể sánh kịp.
Chính vì thế, Thôm Mòn đã trở thành “tổng đại lý” ma túy, là nơi trung chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam để chia mỏng, phân nhỏ mang đi các nơi khác. Trong cơn “lốc trắng”, ở Thôm Mòn dù nhiều đối tượng đã bị bắt, chịu án ở khắp các nhà tù nhưng những người ở lại vẫn không xem đó là bài học.
Một bà bán nước ở thị trân Thuận Châu cho biết: “Đối với người Thôm Mòn, buôn bán ma túy là nghề của họ. Nó có từ rất lâu rồi nên để thay đổi được tư duy của họ đã khó, nghiêm cấm họ buôn bán ma túy thì càng khó. Họ buôn ma túy giống như buôn rau”.
Ông Lường Văn Toản – Trưởng Công an xã Thôm Mòn cho hay: “Có thời điểm con nghiện khắp Tây Bắc theo cung đường 6 dạt về Thôm Mòn đông không kể siết. Công an tỉnh Sơn La phải điều một đội cảnh sát cơ động lập trạm kiểm soát người ra vào mà cũng không xuể”.
Theo số liệu của Chủ tịch UBND xã Thôm Mòn, hiện cả xã có 1196 hộ với 5929 nhân khẩu với 96% bà con là người dân tộc Thái. Xã có 20 bản thì hầu hết đã và đang dính líu đến ma túy.
Trong đó, điển hình là bản Thôm với số lượng khá lớn người nghiện và buôn bán ma túy. Chỉ tính tròn 1 năm từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2012, công an xã và huyện Thuận Châu đã bắt ở Thôm Mòn 81 vụ với 106 đối tượng.
Phụ nữ vào cuộc
Trước thực trạng đau lòng về ma túy, trước những nhức nhối nóng bỏng về hoạt động buôn bán “hàng trắng” để rồi dẫn con người đến “cửa tử”. Phụ nữ Thôm Mòn đã cùng nhau đứng dậy tuyên chiến với ma túy.
Cùng đợt, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sơn La cũng chọn Thôm Mòn là điểm để triển khai công tác phòng chống ma túy. Thế nên, phụ nữ được lợi khi các cấp chính quyền cùng tham gia lập 5 cụm liên gia tự quản, ký cam kết phối hợp đấu tranh với con nghiện.
Với sự phối hợp của Hội Phụ nữ chống ma túy, Thôm Mòn đã tổ chức 10 cuộc vận động tuyên truyền ở 19 bản gồm 5 cụm dân cư cho 1.670 người.
Hội Phụ nữ đã tư vấn cho chị em làm tốt vai trò làm mẹ, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, tạo thành trì vững chắc không để tệ nạn ma túy thâm nhập, phát động phong trào “Bốn không”: “Không sử dụng, sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy” và đấu tranh không khoan nhượng với ma túy.
Ông Lường Văn Toản – Trưởng công an xã Thôm Mòn đang rà soát danh sách các đối tượng.
Nhờ vậy mà số lượng lớn người nghiện ở Thôm Mòn đã tự nguyện đi cai ở các trung tâm. “Những đối tượng còn lại, chính quyền sẽ cưỡng chế đi cai để lập lại trật tự xã hội, tìm lại yên bình cho vùng sơn cước”, ông Lường Văn Toản cho hay.
Tuy nhiên, ông Toản bộc bạch: “Để diệt trừ cái nạn ma túy không dễ một chút nào đâu. Bao nhiêu năm nay công an vào cuộc truy quét, làm rất triệt để mà tình trạng ma túy cũng chỉ ở mức thuyên giảm, xã Thôm Mòn vẫn là xã trọng điểm loại 1”.
“Trong những tụ điểm ma túy ở Thôm Mòn thì bản Thôm là nóng hơn cả. Bản Thôm có 228 hộ với 1360 nhân khẩu, trong đó 123 đối tượng đã bị bắt với nhiều mức án khác nhau. Người ở Thôm Mòn buôn bán ma túy theo kiểu thời vụ, ngày nhàn rỗi thì đi “làm một tí”, cứ thế thành quen rồi thành nghề nên rất khó để triệt phá tận gốc”, ông Lường Văn Toản – Trưởng Công an xã Thôm Mòn.
Trần Hòa