Hỏi: Tôi mới có 1 con thì phát hiện ung thư tuyến giáp, đã phẫu thuật. Tôi rất phân vân không biết nên điều trị luôn iot phóng xạ hay chờ sinh con thứ 2 xong. Xin KH&ĐS cho biết, iot ảnh hưởng như thế nào đến việc sinh con? Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội)
Điều trị iot phóng xạ cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp |
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai trả lời: Các báo cáo gần đây về tác động tiêu cực tiềm tàng của điều trị iot phóng xạ (RAI) đến dự trữ buồng trứng đã gây nhiều sự chú ý. Trong đó có 3 nghiên cứu tiền cứu, xét nghiệm nồng độ Anti-Mullerian Hormone (AMH – đánh giá khả năng sinh sản của buồng trứng) nhiều lần liên tiếp trước khi điều trị RAI và thường xuyên sau đó trong tối đa 48 tháng. Kết quả:
Nghiên cứu ở Hà Lan trên 65 bệnh nhân nữ có tuổi trung bình là 32, thấy mức AMH giảm đáng kể trong 12 tháng đầu tiên (giảm −55%) rồi ổn định ở nhóm chỉ điều trị RAI một lần, trong khi đó vẫn giảm hơn nữa (-85% sau 48 tháng) ở nhóm điều trị RAI nhiều lần. Giảm nhiều nhất xảy ra ở những phụ nữ ≥ 35 tuổi
Nghiên cứu của Yaish tại Israel: so với những người bình thường thì những phụ nữ điều trị RAI (liều 30 – 150 mCi) có nồng độ AMH là tương đương sau 3 tháng, nhưng giảm khoảng 30% sau điều trị 12 tháng.
Nghiên cứu lớn nhất là trên 18.850 phụ nữ ở Hoa Kỳ bị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa được điều trị RAI. Kết quả là tỷ lệ sinh là tương đương trong toàn bộ nhóm nhưng ở những phụ nữ tuổi từ 35 – 39, số ca sinh giảm 29% sau điều trị RAI (11,5 vs 16,5/1000 phụ nữ-năm, p <0,01). Thời gian có thai bị chậm trong nhóm phụ nữ từ 20–39 tuổi (p <0,0001)
Dựa trên những kết quả này, Hội tuyến giáp châu Âu (EAT) khuyến cáo: Những phụ nữ bị ung thư tuyến giáp không cần phải trì hoãn điều trị iot phóng xạ để sinh con. Tuy nhiên, những người > 35 tuổi, cần được thông báo về ảnh hưởng của iot phóng xạ tới khả năng sinh sản.