Điều trị dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ

(khoahocdoisong.vn) - Nguyên tắc điều trị dị ứng là phát hiện và tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng. Nhiều khi phải thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thức ăn.

Test dị nguyên

Khi trẻ bắt đầu ăn dặm nên dùng các thực phẩm ít dị ứng như gạo và các loại củ. Tránh dùng các loại thức ăn chế biến công nghiệp như thịt lợn xông khói, thịt lợn muối, các chất nhuộm màu, gia vị nhân tạo.

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của dị ứng, cần ngừng ăn loại thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng để theo dõi. Khi phát hiện chính xác thực phẩm hay thành phần của thực phẩm gây dị ứng, hãy ngừng ăn thực phẩm này cũng như các chế phẩm của nó. Không nên chế biến hoặc đựng thức ăn của trẻ trong các dụng cụ có dính các thức ăn mà trẻ dị ứng.

Khi bị dị ứng nhẹ, cơ thể có thể tự điều chỉnh mà không cần dùng thuốc. Nếu có biểu hiện nặng, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị. Với người có tiền sử dị ứng thực phẩm, cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm, xem kỹ thành phần thực phẩm và các chất phụ gia được ghi trên nhãn mác trước khi mua và cũng cần mang theo thuốc chống dị ứng để điều trị kịp thời.

Trong một số trường hợp cần chẩn đoán chính xác tác nhân gây dị ứng, có thể đến các kho dị ứng - miễn dịch tại các bệnh viện để thăm khám kiểm tra các test dị nguyên. 

Một số thức ăn có mẫn cảm chéo với các thức ăn gây dị ứng cũng cần được loại trừ khỏi bữa ăn của trẻ, như sữa dê với sữa bò, thịt bò (thịt bê) với thịt cừu thường mẫn cảm chéo với nhau trong 50 - 90% trường hợp, giữa các loại cá, các loại đậu cũng thường có mẫn cảm chéo với nhau. 

Với những trẻ em bị dị ứng với sữa, các bà mẹ cần lưu ý đọc kỹ thành phần của các loại sữa bột hoặc bột dinh dưỡng trước khi sử dụng cho con. Những trẻ bị dị ứng với sữa bò thì có thể sử dụng các loại sữa bột hoặc bột dinh dưỡng có bột đậu nành. Nếu trẻ dị ứng với cả sữa bò và bột đậu nành, các bà mẹ nên tìm các loại sữa bột với thành phần dinh dưỡng đã được thủy phân (hydrolyzed formula). Một số trường hợp dị ứng thức ăn ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ xuất hiện dị ứng sớm, thì dị ứng sẽ giảm và mất dần tính mẫn cảm với thức ăn đó sau một thời gian do sự dung nạp miễn dịch của cơ thể. Khi trẻ lớn lên có thể thử dùng lại các thực phẩm đã từng gây dị ứng một cách thận trọng. Lưu ý là những trường hợp dị ứng thực phẩm xuất hiện muộn hoặc dị ứng với một số loại thực phẩm như lạc, tôm, cá, thì tình trạng dung nạp miễn dịch này thường không xảy ra và không nên thử dùng lại các thức ăn đã từng gây dị ứng. Tương tự, những trẻ đã từng bị sốc phản vệ do thức ăn cũng không nên thử dùng lại các thức ăn đó.

Việc loại trừ một số thực phẩm ra khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến sự mất cân đối của chế độ ăn và gây ảnh hưởng đến sự phát triển, do đó tốt nhất các bà mẹ nên tham khảo ý kiến của các nhà dinh dưỡng để tìm được một chế độ ăn thích hợp, việc bổ sung các vitamin và muối khoáng.

D ứng có thể phòng tránh được

Những trẻ bị dị ứng thức ăn khi nhỏ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh dị ứng khác trong suốt cuộc đời như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc hen phế quản. Các nhà khoa học gọi đó là “tiến trình dị ứng”. Vì vậy, dựa vào tiền sử gia đình để xác định nguy cơ dị ứng cho trẻ ngay từ khi mang thai là cần thiết. Nếu xác định trẻ có nguy cơ cao nên sử dụng các phương pháp phòng ngừa dị ứng sớm qua chế độ ăn:

-  Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, loại bỏ các dị nguyên thức ăn trong chế độ ăn của mẹ đang cho con bú.

- Trường hợp không có sữa mẹ nên sử dụng các công thức sữa giảm tính dị ứng với đạm thủy phân một phần, tránh sử dụng sữa bò.

-  Không nên cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi. Khi trẻ ăn dặm nên làm quen với các loại thức ăn từ từ, mỗi tuần nên sử dụng 1 loại thức ăn mới để theo dõi và tránh các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: lòng trắng trứng, lạc, hải sản (tôm, cua, sò điệp khô và tươi), những thức ăn này nên tập cho trẻ ăn sau 12 tháng tuổi.

ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến

(Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top