Dị ứng thức ăn

(khoahocdoisong.vn) - Dị ứng thức ăn là phản ứng của cơ thể đối với một số chất có trong thức ăn (dị nguyên), phổ biến nhất là sữa bò, sữa đậu nành, trứng, hạt lạc, lúa mì, đậu tương, cá, tôm cua...

Nguyên nhân gây dị ứng thức ăn 

Thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn ở trẻ em là các chất protein trong thực phẩm. Đây là những protein không dễ bị phân huỷ bởi các men phân cắt protein như protease và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ. Các phân tử protein này kết hợp với các IgE trong dịch tiết, trong máu rồi chúng lại tiếp tục được gắn với các dưỡng bào, là những tế bào có rất nhiều điểm tiếp nhận với IgE. Sự kết hợp mang tính đồng loạt, mạnh mẽ này đã làm vỡ một số lượng lớn những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hoá học, đặc biệt là các histamin, gây ra những biến đổi cơ thể, là cơ sở của bệnh dị ứng: giãn mạch khiến sung huyết, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban, co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở, kích thích khiến gây ngứa dữ dội mà gãi không thể hết.

Dị ứng có thể xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau ăn. Các triệu chứng có thể gặp là: sưng, ngứa họng, miệng, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban đỏ, ngứa trên da. Nặng hơn là khó thở, huyết áp giảm, thậm chí tử vong...

Một số trẻ xuất hiện các triệu chứng muộn (vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên) gồm viêm da, hen, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho dai dẳng, chảy nước mũi, táo bón, ra mồ hôi, biếng ăn, giảm tập trung và ngủ kém.

Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào thời gian xuất hiện phản ứng sau khi ăn, lượng thức ăn và cơ địa của trẻ.

Tính dị ứng thức ăn và tính không chấp nhận thực phẩm

Một số người sau khi sử dụng thực phẩm nào đó xuất hiện các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt,…thường hay nghĩ là bị dị ứng với thực phẩm đó. Điều này không hoàn toàn chính xác. Bên cạnh dị ứng thực phẩm, còn có hiện tượng gọi là “không chấp nhận thực phẩm”. 

Dị ứng thực phẩm là một đáp ứng miễn dịch. Các triệu chứng khó chịu như chóng mặt, buồn nôn, khó thở xuất hiện ngay cả khi chỉ ăn lượng thực phẩm rất nhỏ. Các thực phẩm gây dị ứng có thể kể đến ngũ cốc chứa gluten, giáp xác (tôm, cua,..) và các sản phẩm từ giáp xác, trứng và các sản phẩm từ trứng, cá và các sản phẩm từ cá, sữa và các sản phẩm từ sữa.

Không chấp nhận thực phẩm thường là đáp ứng của hệ tiêu hóa với thực phẩm hơn là đáp ứng của hệ miễn dịch. Các triệu chứng khó chịu xuất hiện chỉ khi ăn một lượng lớn thực phẩm, các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với dị ứng thực phẩm. Tùy vào cơ địa nhạy cảm, một số người có thể có tính không chấp nhận  với bia, rượu, cà phê, phụ gia thực phẩm…Tính không chấp nhận thực phẩm phổ biến hơn so với tính dị ứng thực phẩm. Những triệu chứng của tính không chấp nhận thực phẩm thường chỉ thoáng qua, không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Theo thống kê các nghiên cứu gần đây có đến 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn. Tỷ lệ này giảm dần theo tuổi và phụ thuôc vào sự thay đổi môi trường, thói quen ăn uống và cách sống của từng cộng đồng, cá thể.

Những trẻ sinh ra trong các gia đình có cả bố và mẹ bị dị ứng hoặc một trong hai bố mẹ bị dị ứng là nhóm có nguy cơ cao.

ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng QG)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top