Đắp mặt nạ lành tính vẫn dị ứng

(khoahocdoisong.vn) - Việc đắp mặt nạ làm đẹp từ các nguyên liệu lành tính như bột cám gạo, yến mạch, trà xanh, nghệ… vẫn có thể khiến chị em bị dị ứng, ngứa rát.

Chủ quan với vật liệu lành tính

Chuẩn bị cho ngày cưới sắp đến, chị Vũ Thùy Liên (Hà Nội) bắt đầu chăm sóc da mặt chăm chỉ hằng ngày. Chị chọn bột cám gạo trộn với sữa chua để đắp mặt nạ sáng da, tẩy tế bào chết. Đây đều là những vật liệu không có hóa chất nên khó gây ra những tổn thương cho da. Tuy nhiên sau vài lần sử dụng, da chị lại nổi mẩn, dị ứng, lúc nào cũng bứt rứt ngứa. Chị phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương khám thì được biết bị dị ứng với một số thành phần có trong cám gạo.

Chị Đỗ Anh Thư - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa's Garden cho biết, nhiều chị em chia sẻ về việc đắp mặt nạ với bột cám gạo, yến mạch, trà xanh, nghệ... thì lên mụn hoặc ngứa rát, có nghĩa là da bị kích ứng với những nguyên liệu đấy. Nhưng nhiều khi nguyên nhân lại nằm ở chính việc chọn vật liệu.

Trước tiên, chị em phải đặt câu hỏi xem loại nguyên liệu đó có được pha với thứ gì hay kết hợp cùng nguyên liệu nào khác không?  Có thể hỏi rõ người bán hàng, vì ví dụ bột trà xanh mà người ta cho thêm một chút yến mạch và vẫn chỉ ghi đơn thuần là trà xanh thôi. Với sản phẩm đã kết hợp như vậy thì bạn không thể đổ cho mỗi thành phần được dùng làm hình ảnh cho sản phẩm được. Do đó, khi mua nguyên liệu để đắp mặt nạ thì nên kiểm tra danh mục thành phần sản phẩm, ít nhất để biết nó có nguyên chất hay không. Từ đó có cách sử dụng phù hợp nhất cho loại vật liệu đó.

Những nguyên nhân không ngờ

Còn trong trường hợp nguyên liệu đắp mặt không có thành phần khác, thì quy trình trồng trọt, thu hoạch cần được xem xét. Bởi đơn giản như trồng rau để ăn, ngày bón phân NPK cuối cùng phải cách ngày thu hoạch ít nhất là 5 - 7 ngày tùy loại rau và tùy quy trình sản xuất. Với thuốc trừ sâu cũng phải có đủ thời gian cách ly để lượng chất hóa học kia tan đi hết trước khi sử dụng. Do đó, với những nguyên liệu thiên nhiên, tốt nhất là tìm hiểu nguyên liệu đó được trồng ở đâu, trồng như thế nào, chế biến ra sao, có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không. 

Khi đã có nguyên liệu chuẩn rồi mà vẫn bị dị ứng thì một khả năng cuối cùng nữa, là cách bên bán hàng bảo quản không tốt. Ví dụ, bột cám gạo hút ẩm, nhanh thiu, dễ lên mối mọt, nếu chưa có mối mọt thì cũng có thể đã có trứng. Bột matcha để ở điều kiện bình thường thì nhanh bị oxy hóa và ngả thành màu vàng. Trước khi sử dụng một loại bột thực vật làm mặt nạ, bạn phải kiểm tra xem có mùi gì lạ không, màu sắc thế nào, có mối mọt không... Nếu có thể, cắn thử xem có giòn không hay đã ỉu  (đối với yến mạch dạng vẩy chẳng hạn).

Nếu một sản phẩm đã hút ẩm quá độ ẩm cho phép rất dễ có khả năng bị mốc mà bạn không nhìn ra, điều này khá nguy hiểm.

“Dù bạn mua của một người rất thân với bạn, chính tay họ làm ra, thì có thể kiến thức của họ về bảo quản nguyên liệu mỹ phẩm chưa đầy đủ. Bạn vẫn phải có trách nhiệm với da của mình”, chị Đỗ Anh Thư

Theo Đời sống
back to top