Điều trị đái tháo đường typ 2 bằng insulin: Có cần thêm thuốc uống?

Có người tiêm nhiều insulin vẫn không kiểm soát được đường huyết, trong khi nhiều người lại bị hạ. Lý do là chưa dùng thuốc đái tháo đường đúng.

Giao ban hàng ngày thấy khá nhiều bệnh nhân đái tháo đường typ 2 từ các tỉnh chuyển lên được cho điều trị duy nhất bằng insulin đến 4 mũi/ngày, với liều khá cao nhưng vẫn không kiểm soát được đường huyết, HbA1C vẫn khá cao.

Ngược lại có một số bệnh nhân lại bị hạ đường huyết. Khi kiểm tra thì không thấy BN có chức năng gan thận bình thường, và cũng không thấy có chống chỉ định gì với các thuốc uống hạ đường huyết cả.

Chúng ta đều biết cơ chế chính gây đái tháo đường typ 2 là do đề kháng insulin, thực chất là giảm tác dụng của insulin, hậu quả là các mô không sử dụng được glucose, còn gan lại tăng sản xuất glucose mới, dẫn đến làm tăng đường huyết. Để khắc phục tình trạng đề kháng insulin này, tụy sẽ tăng tiết insulin nhiều hơn để bù đắp cho sự giảm tác dụng của insulin.

Cơ chế gây bệnh đái tháo đường typ 2

Cơ chế gây bệnh đái tháo đường typ 2

Một số bệnh nhân được chỉ định dùng các thuốc như Sulfonylurea (vd glicalzide hay glimepiride) để kích thích tụy làm việc nhiều hơn nữa. Nhưng làm việc gắng sức kéo dài sẽ làm tụy bị suy kiệt dần, và sau khoảng vài năm, khả năng sản xuất insulin của tụy bị giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu hụt insulin nặng.

Khi đó, để kiểm soát đường huyết, chúng ta cần đưa insulin từ bên ngoài vào thay thế, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm 1 hoặc nhiều mũi insulin mỗi ngày.

Dù đã phải điều trị insulin nhưng tình trạng kháng insulin vẫn còn tồn tại nên bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cẫn cần dùng các thuốc có tác dụng làm giảm đề kháng insulin (nếu không có chống chỉ định), để giúp insulin đưa từ bên ngoài vào hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

Các thuốc có tác dụng làm giảm kháng insulin (hay còn gọi là làm tăng nhạy cảm với insulin) là nhóm Metformin (vd Glucophage), TZD (vd Pioglitazone) hay ức chế DPP-4…

Nhờ đó tránh được việc phải dùng liều insulin quá cao, hạn chế nguy cơ hạ đường huyết. Ngoài ra các thuốc khác như ức chế SGLT-2 hay Acarbose có thể dùng phối hợp với insulin vì nó có tác dụng làm giảm đường huyết độc lập với insulin.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
back to top