Điều chỉnh thi vào lớp 10 trước “giờ G”, phụ huynh “phấp phỏng”

(khoahocdoisong.vn) - Lùi ngày thi, rút ngắn thời gian làm bài thi, tuyển thẳng, xét tuyển nhóm thí sinh có "F" là những điều chỉnh trong kỳ thi vào lớp 10 THPT của TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Lùi ngày thi, thay đổi thời gian làm bài, tuyển thẳng thí sinh F1, F0

Chiều 2/6, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh kỳ thi vào lớp 10 THPT trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn những diễn biến phức tạp.

Căn cứ diễn biến thực tế của dịch Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi, UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi vào lớp 10 công lập không chuyên vào ngày 12 và 13/6 (thay vì ngày 10 và 11/6 như  kế hoạch).

Thời gian làm bài thi được rút ngắn để thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập khối không chuyên chỉ thi trong 2 buổi sáng, thay vì 3 buổi trong 2 ngày như trước.

Cụ thể, sáng 12/6 các thí sinh sẽ thi môn Ngữ văn trong 90 phút và Ngoại ngữ 45 phút. Sáng 13/6: Thi toán 90 phút và lịch sử 45 phút.

Ngày 14/6 và 15/6, thí sinh dự thi vào các trường, khối chuyên của Hà Nội và chương trình song bằng sẽ dự thi các môn chuyên và môn thi của chương trình song bằng.

UBND TP Hà Nội cũng đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội về phương án đối với các nhóm thí sinh có "F".

Theo đề xuất, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí để tổ chức phân loại các thí sinh đã đăng ký dự thi thành 3 nhóm.

Nhóm 1: Thí sinh thuộc diện F0, F1; Nhóm 2: Thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Nhóm 3: Các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến trường thi.

Thời gian để phân loại đối tượng thí sinh tính đến ngày 11/6. Sẽ xem xét bổ sung theo quy định các trường hợp phát sinh từ ngày 12 - 13/6. UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xác nhận đối tượng thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2.

Đối với học sinh thuộc nhóm 1, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất tuyển thẳng vào trường THPT công lập mà thí sinh đã có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định phù hợp với nơi cư trú của thí sinh.

Đối với nhóm 2, Sở GD&ĐT Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển theo công thức: Điểm xét tuyển = điểm THCS + điểm trung bình môn toán + điểm trung bình môn ngữ văn + điểm trung bình môn ngoại ngữ + điểm trung bình môn lịch sử + điểm ưu tiên.

Trong đó, điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Điểm kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được tính như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực khá: 4 điểm.

Thí sinh cần bình tĩnh, tự tin

Trong bối cảnh tình hình Covid-19 đang còn có những diễn biến phức tạp, những điều chỉnh của Hà Nội đối với kỳ thi vào lớp 10 THPT nhằm đảm bảo sự an toàn cho các thí sinh.

Trong đó, việc rút ngắn thời gian làm bài, buổi sáng thi hai môn nhằm vừa giảm tải cho thí sinh, vừa giúp các cha mẹ không phải mất di chuyển đưa đón con nhiều lần. Vào buổi chiều không thi các phòng thi sẽ được vệ sinh, khử khuẩn để sáng hôm sau các thí sinh thi đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên cho rằng, có một số thay đổi vào lúc ngày thi cận kề sẽ gây tâm lý xáo trộn cho thí sinh.

Đặc biệt, là việc rút ngắn thời gian làm bài. Trước khi đưa tờ trình lên UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề nghị lãnh đạo các trường thăm dò ý kiến của giáo viên dạy lớp 9, học sinh và cha mẹ có con thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 về hai phương án thời gian làm bài thi tuyển sinh.

Phụ huynh bình chọn phương án theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm. 40 người bình chọn, không có ai chọn phương án 1.

Phụ huynh bình chọn phương án theo yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm. 40 người bình chọn, không có ai chọn phương án 1.

Theo đó, phương án 1: Thi trong 2 buổi sáng. Theo đó, sáng 1 thi Ngữ văn 90 phút + Ngoại ngữ 45 phút; sáng 2 thi Toán 90 phút + Lịch sử 45 phút. Chiều 1 thi các môn chuyên: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; chiều 2 thi các môn chuyên: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.

Phương án 2: Thi trong 2 buổi sáng. Theo đó, sáng 1 thi Ngữ văn 120 phút + Ngoại ngữ 60 phút; sáng 2 thi Toán 120 phút + Lịch sử 60 phút. Chiều 1 thi các môn chuyên: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học; chiều 2 thi các môn chuyên: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ.

Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên cho biết, phụ huynh lớp họ dạy đa số đều chọn phương án 2. Bản thân các cô giáo cũng đồng tình với phương án 2. Bởi kỳ thi đã đến rất gần, các học sinh đã được làm quen với dạng đề có thời gian thi giống như phương án 2.

Giờ đột ngột thay đổi, có thể là đề sẽ vừa sức đối với các em trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra một số xáo trộn tâm lý cho học sinh.

“Do tình hình dịch bệnh mà phải lựa chọn sự điều chỉnh, nhưng thực sự, từ lúc biết tin là sẽ điều chỉnh thời gian làm bài thi vào lớp 10 tới giờ, tôi chỉ mong đừng có thêm sự điều chỉnh nào nữa để thí sinh yên tâm đi thi, năm nay đã nhiều xáo trộn quá rồi”, một phụ huynh chia sẻ.

Các giáo viên cho biết, việc lo lắng của phụ huynh, học sinh trước những thay đổi là hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được, chỉ còn ít ngày nữa là các em bước vào kỳ thi. Tuy nhiên, lúc này, mong các bậc phụ huynh bình tĩnh, tránh làm các con hoang mang. Dịch bệnh là điều không mong muốn, khó khăn sẽ là khó khăn chung. Và mọi quyết định hay điều chỉnh đều lựa chọn trên cơ sở nhằm đảm bảo sự an toàn nhất cho các em trong bối cảnh dịch bệnh. Có ý chí, vững vàng, sự tự tin các em sẽ đạt được phong độ tốt nhất của mình.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi các môn năm nay sẽ bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình môn học, trong chương trình học sinh đã được học tập, ôn tập, phù hợp đối tượng dự thi. Học sinh và phụ huynh học sinh không nên quá lo lắng, hãy an tâm để các em có kết quả tốt nhất.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top