Dịch Covid-19 tại TPHCM đang giảm bền vững và hiệu quả

(khoahocdoisong.vn) - Giãn cách xã hội, xét nghiệm, bệnh viện điều trị 3 tầng, quản lý F0 tại nhà, trạm y tế lưu động, chiến dịch văcxin... đã giúp giảm nhanh số tử vong bền vững.

Bệnh viện dã chiến đa tầng, hiệu quả trong điều trị Covid-19

Việc gia tăng F0 vì xét nghiệm nhiều là tín hiệu tốt vì đã phát hiện số trường hợp nhiễm thật trong cộng đồng, đánh giá chính xác mức độ lây nhiễm từng địa bàn, can thiệp sớm, giúp cộng đồng thật sự sạch dịch với bằng chứng đáng tin cậy.

bv-da-chien-da-tang-tan-binh-1.jpg
Bệnh viện đa tầng vừa thuận lợi trong việc xử lý nhanh nhất các ca có diễn biến trở nặng, vừa tối ưu hoá được nhân lực, trang thiết bị để chăm sóc, điều trị F0 được tốt nhất.

Bên cạnh đó, hệ thống điều trị 3 tầng, quản lý F0 tại nhà, thành lập các trạm y tế lưu động đã giúp giảm tải cho công tác điều trị, việc chuyển tuyến 2 chiều được nhanh và hiệu quả hơn.

Từ giữa tháng 8/2021, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM (Bộ Y tế) đã phối hợp với TPHCM thiết lập Bệnh viện Dã chiến Điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng”. Theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, cơ sở này vừa thuận lợi trong việc xử lý nhanh nhất các ca có diễn biến trở nặng, vừa tối ưu hoá được nhân lực, trang thiết bị để chăm sóc, điều trị F0 được tốt nhất.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh cho biết, Bệnh viện đa tầng Tân Bình bao gồm cả 3 tầng thu dung, điều trị F0. Trung tâm Y tế quận Tân Bình phụ trách tầng 1, Bệnh viện quận Tân Bình phụ trách tầng 2 và Bệnh viện Thống Nhất phụ trách tầng 3 - trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân nặng. Trong 1.000 giường có 50 giường hồi sức; 150 giường bệnh nhân nặng; 500 giường bệnh nhân trung bình; 300 giường bệnh nhân nhẹ.

tphcm-giai-doan-1.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Trung tâm Báo chí TPHCM)

Theo BS Phan Văn Chính, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế quận Tân Bình, F0 đưa vào chăm sóc ở tầng 1 là người cao tuổi, có bệnh nền nhiều, sống trong nhà trọ chật hẹp hoặc ở cùng đại gia đình đông người không đảm bảo việc tự cách ly, điều trị tại nhà. Tất cả bệnh nhân vào sẽ được y bác sĩ lọc bệnh và tư vấn gói thuốc phù hợp nhất. Hằng ngày họ được sử dụng thuốc từ các gói A, B.

F0 ở tầng 1 nếu có dấu hiệu trở nặng lập tức đưa ngay sang tầng 2 để điều trị kịp thời và chăm sóc toàn diện. Nếu nặng hơn nữa, bệnh nhân sẽ được chuyển tiếp lên tầng 3; khi nhẹ lại quay về tầng 1.

ra-vien-1.jpg
Số ca mắc Covid-19 giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống.

Đây là mô hình hiệu quả bởi kịp thời ngăn chặn được phần lớn số ca tử vong. Tại bệnh viện đa tầng này, tầng 2 trung bình có 300 ca bệnh, mỗi ngày chỉ phải chuyển lên tầng 3 khoảng 4 ca nặng. Sau hơn một tháng áp dụng mô hình đa tầng, tỷ lệ tử vong từ gần 5% xuống còn gần 3%.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, chúng ta đã bắt đầu thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm khi số ca mắc giảm, số bệnh nhân nặng được kiểm soát và số ca tử vong có xu hướng đi xuống.

"Để đạt được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố, của ngành y tế nói chung, sự nỗ lực của các thầy thuốc trong các trung tâm hồi sức tích cực, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ở tầng 2 là hết sức quan trọng. Đặc biệt, mô hình bệnh viện đa tầng trong một khu vực không những giúp đỡ bệnh viện tuyến dưới trong công tác huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực điều trị, mà còn rút ngắn chuyển viện bệnh nhân Covid-19 nặng”, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 xuống thấp

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hệ số lây truyền giảm được định nghĩa là số người trung bình bị lây nhiễm từ một F0, ký hiệu bằng R.

Rt là hệ số lây nhiễm theo thời gian, khi cộng đồng đã nhận ra sự có mặt của dịch bệnh và thực hiện các biện pháp hạn chế sự lây lan. Hiện nay, chỉ số Rt ở TPHCM là trên - dưới 1. Chỉ số này ở thành phố ở mức tương đối ổn định nên dịch có thể kiểm soát được.

img_2483.jpg
Các biện pháp can thiệp phòng chống Covid-19 áp dụng tại TPHCM từ tháng 5/2021 đến nay đã giúp kéo giảm hệ số lây nhiễm Covid-19 xuống.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, các chiến lược trong đợt 4 phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Hệ số lây truyền Rt từ hơn 5 (một F0 lây cho 5 người) xuống 1,03. Đây là một trong những dữ liệu quan trọng làm cơ sở để TPHCM mở cửa trở lại.

Điều này có nghĩa là TPHCM đã phòng ngừa được 7,4 triệu ca nhiễm, 740.000 ca nhập viện và 55.000 ca tử vong so với tình hình nếu không áp dụng Chỉ thị 16, tỷ lệ xét nghiệm thấp và tiêm văcxin ngừa Covid-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi chỉ đạt 50%.

Nới lỏng giãn cách vào 1/10/2021, dịch có thể tăng nhẹ

Thành phố sẽ thực hiện lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 1 - 31/10/2021, giai đoạn 2 từ ngày 1/11/2021 - 15/1/2022, giai đoạn 3 sau ngày 15/1/2022.

tphcm-giai-doan-2.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Trung tâm Báo chí TPHCM)

GS.TS Phan Trọng Lân cho biết, tùy theo các kịch bản nới lỏng với các biện pháp can thiệp khác nhau, diễn tiến dịch sẽ khác nhau.

Nếu nới lỏng giãn cách toàn bộ ngay từ ngày 16/9, dù gia tăng tỷ lệ tiêm văcxin ngừa Covid-19 mũi 2 lên 33% vào cuối tháng 9 và 70% vào giữa tháng 10, TPHCM sẽ chứng kiến sự bùng nổ dịch Covid-19 với cấp độ lớn hơn đỉnh dịch hiện tại. Rt nhanh chóng tăng lên 1,85 trong khoảng từ giữa đến cuối tháng 9.

z2724554584453_c231f3308cb83d8b5a855f270de0bb0e.jpg
Chính phủ và lãnh đạo TPHCM đã nỗ lực giúp người dân yên tâm trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Nếu nới lỏng giãn cách vào ngày 1/10/2021 và tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, Rt có thể tăng nhẹ lại (1,08) sau đó sẽ giảm. Nhưng nếu gia hạn nới lỏng giãn cách đến ngày 1/11, Rt sẽ giảm sâu, xuống 0,91, giúp giảm số ca mắc bền vững hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung xử lý vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, điều trị F0 tại cộng đồng; giữ vững vùng xanh, vùng vàng, văcxin ngừa Covid-19 cho người có bệnh lý nền và người cao tuổi.

Đồng thời, hệ thống giám sát phải được thiết lập xuyên suốt, thống nhất tại cơ sở y tế, giám sát cộng đồng định kỳ, tại các vùng nguy cơ…

tui-thuoc.jpg
Điều quan trọng nhất khi TPHCM mở cửa trở lại, năng lực điều trị của chúng ta phải đáp ứng khi người dân cần.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, việc giám sát ca bệnh cần kết hợp chặt với hoạt động điều tra, truy vết hiệu quả và thần tốc, bảo đảm dữ liệu mắc, chết, độ nặng, tỷ lệ xét nghiệm, giúp phát hiện kịp thời xu hướng dịch bệnh, đánh giá được tình hình dịch bệnh. Đây là một trong các năng lực đáp ứng dịch chính yếu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu phải có trong các tình huống dịch Covid-19.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đồng thời là thành viên Ban Chỉ đạo Xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM cho biết, thế giới và Việt Nam đang có những quan điểm mới là phải sống, làm việc trong môi trường đang có dịch.

Tới đây, khi chúng ta mở cửa, số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn có thể tăng. Điều quan trọng nhất, năng lực điều trị của chúng ta phải đáp ứng khi người dân bệnh, người dân cần xét nghiệm, chúng ta phải tổ chức xét nghiệm thật nhanh để hỗ trợ cho việc cách ly tại nhà, hỗ trợ thuốc điều trị cho người dân…

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top