"TPHCM hay Hà Nội nhất quyết không thể nới lỏng giãn cách một mình"
(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Thu Anh, khi tính đến bài toán nới lỏng giãn cách, đó phải là một bài toán có sự đồng bộ trên toàn quốc, chứ không thể có tình trạng mỗi tỉnh làm một kiểu.
Trong lộ trình đưa các địa phương, đặc biệt TPHCM sớm mở cửa trở lại cuộc sống bình thường mới, Bộ Y tế đưa ra 4 tiêu chí cần phải đáp ứng. Lộ trình này đang được Bộ Y tế gấp rút lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cùng các bộ, ngành và UBND TPHCM trước khi ban hành.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh là Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, trưởng nhóm F5. Nhóm này gồm các chuyên gia đa ngành tập hợp thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19, nhằm đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch.
Tiến sĩ chia sẻ với Dân trí quan điểm "bình thường mới" và lộ trình mở cửa, thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh thành.
- Cả TPHCM và Hà Nội đều đang đặt ra lộ trình để nới lỏng giãn cách và sẵn sàng sống chung với Covid-19, việc thông thương giữa các địa phương sẽ được phục hồi lại từng bước. Nhưng trong hoàn cảnh còn khan hiếm vắc xin và tỷ lệ tiêm vắc xin ở nhiều địa phương còn thấp, phương án nào cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe cộng đồng?
Tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi chiến lược tiêm vắc xin một cách đồng bộ trên quy mô toàn quốc. Chiến lược vắc xin của chúng ta suốt mấy tháng qua là ưu tiên cho lực lượng lao động và các địa phương có nguy cơ cao.
Trong khi chiến lược vắc xin trên thế giới hầu như đều ưu tiên cho nhóm người cao tuổi và có bệnh nền, thì ở Hà Nội, có một số thời điểm nhóm trên 65 tuổi gần như là nhóm người sau cùng trong nhóm trên 18 tuổi được tiêm.
Nhưng nếu nhìn vào tỷ lệ tử vong sẽ thấy chúng ta cần phải thay đổi nhất quán về việc này. Trong hoàn cảnh vắc xin còn thiếu, thay vì ưu tiên lực lượng lao động và các thành phố lớn có nguy cơ cao, chúng ta nên thay đổi chính sách tiêm chủng từ chiến lược bao phủ vắc xin cho một số địa phương lên tới 80-90%, sang ưu tiên toàn bộ người cao tuổi trên toàn quốc.
Thông tin từ Bộ Y tế, qua thống kê các trường hợp tử vong tại Việt Nam, nhóm trên 70 tuổi trở lên chiếm đa số với 30,1% và hầu hết đều có bệnh nền; nhóm 61-70 tuổi chiếm 28,6%; bệnh nhân độ tuổi từ 51-60 tuổi chiếm 22,8%; nhóm 41-50 tuổi chiếm 11,4%. Nhóm bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi chiếm 7,2%.
Hiệu quả giảm nguy cơ tăng nặng và giảm tử vong do vắc xin mang lại đã được chứng thực ở nhiều quốc gia. Mà chiến lược của Việt Nam giai đoạn này là giảm các ca bệnh nặng và tử vong chứ không còn tham vọng trở về "zero covid" nữa. Nên chỉ cần ưu tiên vắc xin cho người cao tuổi, Việt Nam đã giải quyết được về cơ bản số ca tăng nặng và tử vong do Covid-19. Không có cách nào bảo vệ người dân ở các tỉnh chưa có đủ vắc xin tốt hơn cách đó, nhất là khi năng lực y tế ở nhiều địa phương không đủ để chống đỡ khi số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh và quá nhiều.
-Trong buổi họp báo gần đây, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã chia sẻ một thực tế, sẽ rất khó để TPHCM đáp ứng được một số tiêu chí của Bộ Y tế về dịch bệnh để có thể đủ điều kiện "sống chung với Covid-19". Bà lý giải sao về khó khăn này của TPHCM?
Vấn đề lớn nhất không phải thay đổi tiêu chí đánh giá để TPHCM đáp ứng được, mà thay đổi tiêu chí để cập nhật với các tiến bộ mới trong lĩnh vực điều trị Covid-19 và tiêm phủ vắc xin. Chúng ta đều biết rằng những tiến bộ này đã giúp nhiều quốc gia đạt được mục tiêu giảm tử vong và ca bệnh nặng một cách đáng kể, nhưng không thể làm cho Covid-19 biến mất.
Sẽ không công bằng với TPHCM và một số địa phương, nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin cao và năng lực điều trị đã tăng hơn trước, nếu áp dụng những tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ trước đây. Bộ tiêu chí đánh giá để xác định nguy cơ dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp hành chính tương ứng được căn cứ trên Quyết định số 2686, 3979 và 3989 của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
Đây là bộ tiêu chí được xây dựng khi Việt Nam còn theo đuổi chiến lược "zero covid", nên đã có nhiều tiêu chí bất khả thi trong tình hình mới nhưng vẫn đang được áp dụng ở các địa phương có dịch bùng phát nặng nề.
Ví dụ, theo Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, các địa phương phải đáp ứng một trong những điều kiện sau mới có thể coi là kiểm soát được dịch và đủ điều kiện "bình thường mới":
-Trong vòng 14 ngày, số F0 xác định được nguồn lây thấp hơn tỷ lệ 1/100.000 người.
- Số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có số ca mắc cao nhất.
- Dưới 20% số xã/phường ở mức độ "có nguy cơ".
- Dưới 50% số quận/huyện ở mức độ "có nguy cơ",
- Không quá 2 quận/huyện được xếp ở mức độ "nguy cơ rất cao"
Và các quận/huyện, xã phường phải:
-Không có ca bệnh lây nhiễm mới xác định hoặc chưa xác định được nguồn lây trong cộng đồng, không rõ trong bao nhiêu ngày.
-Không có các ca F0 không rõ nguồn lây hoặc F0 trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện.
-Không liền kề với xã hoặc địa bàn có điều kiện qua lại thuận tiện được đánh giá nguy cơ rất cao.
-Không có F1, người đi về từ vùng dịch trong nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ dân sinh, bệnh viện... có nguy cơ lây nhiễm cao.
Những tiêu chí này là không khả thi ở các địa phương mà dịch đã lan sâu trong cộng đồng như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Nếu căn cứ trên đó mà không tính đến năng lực y tế hiện có và độ bao phủ vắc xin thì không có cách nào để những tỉnh thành này quay về "bình thường mới".
Báo cáo từ nhiều quốc gia cho thấy tình trạng thoát miễn dịch với biến thể Delta là phổ biến. Do đó, kể cả khi đạt được độ bao phủ vắc xin (2 mũi) cao cho cộng đồng, virus vẫn sẽ tiếp tục lưu hành, đặc biệt là ở các địa phương có dịch bùng phát mạnh trong thời gian qua. Tức là việc đạt được tiêu chí kiểm soát dịch chỉ dựa vào các tiêu chí trên là không khả thi, cũng như đi ngược với quan điểm sống chung với virus, và các địa phương sẽ luôn phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ cho dù họ có đủ năng lực điều trị ca bệnh và tăng cao độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19.
Vì vậy, theo tôi cần sửa đổi các tiêu chí và phương pháp đánh giá nguy cơ dịch để phản ánh được chủ trương sống chung với virus, đáp ứng với những thay đổi về dịch bệnh và kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua, đồng thời tiệm cận với các khung đánh giá chung của quốc tế.
-Theo bà, bộ tiêu chí mới cần phải thay đổi như thế nào mới được coi là phù hợp với tình hình mới?
Đầu tiên, tôi nhấn mạnh rằng, các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội không thể nới lỏng giãn cách một mình. Người làm văn phòng có thể hạn chế di chuyển. Nhưng chúng ta không thể mãi hạn chế người dân đi lại, thông thương giữa các tỉnh thành khi mà đã chấp nhận sống chung với Covid-19. Nên khi tính đến bài toán nới lỏng giãn cách, đó phải là một bài toán có sự đồng bộ trên toàn quốc, chứ không thể có tình trạng mỗi tỉnh làm một kiểu.
Các địa phương cần có chung một tầm nhìn, một chiến lược và một bộ tiêu chí đánh giá về tình hình dịch bệnh, mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính đi kèm. Và tốt nhất nên học từ các quốc gia đi trước và có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình trong nước.
Chúng tôi đã tiến hành phân tích các chỉ tiêu và ngưỡng áp dụng của hơn 10 quốc gia/thành phố lớn cũng như hướng dẫn của tổ chức Y tế thế giới. Thực tế, mỗi quốc gia đều có một bộ tiêu chí với các chỉ số khác nhau để đánh giá tình hình dịch bệnh và đưa ra các giải pháp chống dịch phù hợp.
Đành rằng mỗi quốc gia đều có những đặc điểm khác nhau về kinh tế - xã hội - văn hóa, nên các chỉ số họ đưa ra cũng khác nhau. Ví dụ, một trong những điều kiện các thành phố trên thế giới đánh giá để gần như quay lại với cuộc sống bình thường (cấp độ 4) là tính số ca nhiễm trên 100.000 dân.
Nếu như Seoul chấp nhận 7 ca nhiễm, thì Jarkarta chấp nhận 40 ca, Kualalumpur chấp nhận mức 40 ca.
Còn theo WHO, họ chấp nhận con số 20 ca/100.000 dân. Con số này tương đương với tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Dương, Phú Yên vào ngày 2/9.
Từ việc phân tích các chỉ tiêu và ngưỡng áp dụng của hơn 10 quốc gia/thành phố lớn, cũng như hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, tôi đề xuất 4 chỉ số tối thiểu như sau:
-Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trên 100.000 dân số trong một tuần.
- Tỷ lệ người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính trong tổng số người được xét nghiệm trong một tuần.
- Tỷ lệ lấp đầy giường thở oxy trong tuần qua
- Độ bao phủ của vắc xin mũi 2 (đối với người 50 tuổi trở lên và người mắc bệnh nền trong giai đoạn thiếu hụt vắc xin hiện nay, và đối với toàn dân khi vắc xin dồi dào).
Dựa trên 4 tiêu chí này, Việt Nam có thể xây dựng 5 cấp độ chống dịch theo nguyên tắc tỷ lệ phủ vắc xin càng cao, ngưỡng chấp nhận số ca nhiễm càng lớn.
5 cấp độ này cần được thống nhất áp dụng trên toàn quốc qua từng giai đoạn, để đảm bảo mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng không làm ảnh hưởng nặng nề đến các mục tiêu chống dịch.
-Mức 1: Bình thường mới
-Mức 2: Giảm số lượng người tham gia các sự kiện tập trung đông người (20-100 người tùy loại hình sự kiện) và yêu cầu các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trường học, bệnh viện đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
-Mức 3: Giảm số lượng người tham gia các sự kiện tập trung đông người (10-20 người tùy loại hình sự kiện). Giảm công suất 50% hoạt động sản xuất kinh doanh; trừ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ công và vận tải hàng hóa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
-Mức 4: Giảm số lượng người tham gia các sự kiện tập trung đông người (2-10 người tùy loại hình sự kiện). Giảm công suất 75%; trừ các hoạt động sản xuất kinh doanh mũi nhọn, cứu trợ và vận tải hàng hóa, chuỗi cung ứng thực phẩm đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
-Mức 5: Chỉ duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội tối thiểu.
Các tỉnh thành phố có thể dựa trên bộ tiêu chí này và các cấp độ chống dịch để dần trở về "bình thường mới". Bộ tiêu chí này sẽ tạo động lực cho các địa phương tăng nhanh năng lực điều trị sớm và độ phủ vắc xin để trở về bình thường mới, khi số ca nhiễm ở ngưỡng có thể kiểm soát và hạn chế tử vong.
Quan trọng là khi đã thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19, cần thực hiện các biện pháp để có thể khôi phục lại hầu hết các hoạt động kinh tế. Thay vì chỉ cho phép các hoạt động kinh tế-xã hội tối thiểu và các ngành thiết yếu như quan điểm chống dịch mấy tháng qua, chúng ta nên chấp nhận cho phép phần lớn các hoạt động kinh tế - xã hội được hoạt động trở lại, với công suất phù hợp cho từng mức độ chống dịch. Rất khó để nói đâu là hoạt động thiết yếu, khi mà có những thứ không thiết yếu với người này nhưng lại thiết yếu với người kia.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch trong nhiều năm sau này, cùng với nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể có khả năng lây lan và độc lực cao hơn. Vì vậy, cần có một hệ thống dữ liệu chi tiết và cập nhật liên tục để giúp cho việc ra quyết định được kịp thời và đáp ứng tốt với diễn biến dịch.
Những tiêu chí TPHCM chưa đạt được để kiểm soát dịch
Nói về tiêu chí mà TPHCM chưa đạt được trước ngày 15/9, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chỉ ra có một tiêu chí rất khó đó là "số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất".
Số ca mắc hiện nay ở đường ngang, chưa đi lên cũng chưa đi xuống, trung bình 5.000-6.000 ca mắc mới mỗi ngày. Căn cứ tiêu chí này, thành phố chưa đạt được tiêu chí kiểm soát dịch - Giám đốc Sở Y tế thông tin.
Căn cứ vào các quy định, tiêu chí của WHO thì thành phố cũng chưa đạt, nhưng đang diễn tiến theo hướng khả quan. Số ca mắc, số ca tử vong, tỷ lệ dương tính/số xét nghiệm trong tuần đang giảm.
Hiện nay, biến thể Delta nằm ngoài dự kiến chúng ta, thậm chí, nó vượt qua được một số kháng thể trong người. Với biến thể này, chúng ta khó làm sạch được F0 trong cộng đồng. Có thể chúng ta chỉ làm giảm số F0 trong cộng đồng với một mức độ nào đó. Thành phố sẽ nỗ lực cải thiện số ca mắc Covid-19 tử vong. Mọi người ai cũng nghĩ đến trong tương lai, dịch này giống cúm, điều đó sẽ rất khó. Nhưng với vắc xin, chúng ta mong điều này sẽ có thể xảy ra điều đó.
"Chúng tôi hay ví von, dịch Covid-19 này giống máy bay cất cánh vì khi bùng phát lên đỉnh rất nhanh còn khi đáp phải từ từ" - ông Tăng Chí Thượng nói.
Lan Hương