Không thể không “mở cửa”
Bộ Y tế đã giao chỉ tiêu chống dịch cho TPHCM nhưng theo chuyên gia Kinh tế Trần Du Lịch, trong các tiêu chí này có hai "kim cô" cho quá trình mở cửa trở lại.
"Chúng ta phải xác định mở cửa một cách nhất quán, dứt khoát, không nên mở cửa giật cục. Cả TPHCM lẫn doanh nghiệp không còn nguồn lực, sau nhiều tháng giãn cách, doanh nghiệp đã kiệt quệ. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy... Cần đánh giá kỹ các tiêu chí an toàn, điều kiện hoạt động để mở cửa, chứ không đóng mở bất thường, doanh nghiệp sẽ bị đấm bồi và tiếp tục chết nhiều hơn" - ông Trần Du Lịch nói.
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa. Nếu nhìn vào bài toán kinh tế, phân tích lợi ích, chi phí, phân bổ nguồn lực thì việc TPHCM xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân là rất tốn kém.
Bên cạnh đó, hệ lụy đối với GDP của TPHCM sẽ kéo dài sang những năm tới, trả giá về kinh tế là rất lớn. Doanh nghiệp đã kiệt quệ, nếu không cứu thì sau này cứu cũng không kịp nữa. Áp lực này đặc biệt lớn, khi ngân sách TPHCM, ngân sách trung ương đang gặp khó khăn.
Theo ông Tự Anh, sau 3,5 tháng chống dịch, người dân nghèo cũng đang kiệt quệ, doanh nghiệp cũng đang kiệt quệ, chi phí chống dịch đang quá lớn... nên không thể không mở cửa.
Về chiến lược mở cửa, ông Tự Anh cho rằng, đối với hoạt động kinh tế, kinh doanh, việc mở theo từng nấc phải có phương án dự phòng, phải có phương án rủi ro và thích nghi với điều kiện mới.
Dẫn ví dụ về việc đi siêu thị, việc người đi vào, đi ra vẫn là một lối đi, tăng nguy cơ rủi ro, do đó ông cho rằng cần phải có những phương án dự phòng rủi ro. Đồng thời, ông Tự Anh cũng đặt vấn đề cần phải thay đổi các quy định của Bộ Y tế để mở cửa.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM nhìn nhận, với những kết quả của ngành y tế thời gian qua, TPHCM cần chuyển tư duy ứng phó với dịch Covid-19 từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chậm thắng chắc”. TPHCM cần đi sớm hơn các địa phương khác. Trước mắt, TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 nhưng cho phép hoạt động các ngành sản xuất, kinh tế thiết yếu với yêu cầu đảm bảo chặt chẽ điều kiện chống dịch.
Cũng như nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng phải xác định tâm thế sống chung với dịch Covid-19. Bởi vì "không thể quét sạch F0”. Bên cạnh đó, cần phải xác định cuộc chiến này là lâu dài và không quá phí sức cho một trận đánh mà không đảm bảo chắc chắn tháng sau, năm sau vẫn không còn F0 trong cộng đồng.
“Nếu đánh trận cuối cùng thì dùng hết sức, còn không thì phải tính toán sao cho hiệu quả” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói và cho biết, chúng ta sẽ "tiêu diệt" Covid-19 trong vài năm tới cùng với các việc khác".
Khi TPHCM không thể xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách toàn bộ F0, cần tập trung xét nghiệm người có nguy cơ cao để phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị cho những người có triệu chứng.
14 chiến lược cho “bình thường mới”
Đồng tình với quan điểm mở cửa kinh tế từng bước và thận trọng, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, bên cạnh quan tâm đến sức khỏe, thể chất cũng cần quan tâm đến yếu tố tinh thần, đảm bảo sinh kế của người dân.
Nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách chịu thiệt hại nhiều hơn nữa. Các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế trên bình diện chung là đúng, nhưng với TPHCM khi đạt được một số tiêu chí quan trọng thì có thể tính toán việc mở cửa trong điều kiện an toàn.
Hiện tỷ lệ tiêm chủng ở TPHCM đạt khoảng 95% mũi 1 và 35% mũi 2, đây là một trong những điều kiện quan trọng để mở cửa. PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhìn nhận, khi thành phố tái khởi động nền kinh tế thì sẽ đảm bảo nguồn lực sẵn sàng giúp đỡ các địa phương lân cận khi dịch bệnh lây lan.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, ngành y tế thành phố đã có nhiều bài học, kinh nghiệm trong phòng chống dịch. Tỷ lệ tiêm chủng hiện đã cao, nhận thức của người dân đã tốt lên, ủng hộ, đoàn kết, chấp nhận “đồng cam cộng khổ”, thắt lưng buộc bụng cùng thành phố vượt qua khó khăn.
Ông Nên đánh giá sức chịu đựng của xã hội, của nền kinh tế cũng có giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương cần phục hồi, nếu để lâu nữa thì sẽ nguy hiểm.
Hiện, TPHCM đã chuẩn bị 14 chiến lược để chuẩn bị cho trạng thái “bình thường mới”, trong đó trụ cột nhất là chiến lược y tế. Trong đó, hệ thống y tế phải được củng cố từ cơ sở đến thành phố, củng cố y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, nhà thuốc tây. Trong chiến lược đó cũng sẽ quy định rõ ràng các biện pháp ứng phó khi phát hiện F0 trong điều kiện sản xuất, hoạt động.
TPHCM cũng tiếp tục huy động các nguồn lực, có đủ điều kiện tham gia phòng chống dịch, điều trị, tư vấn để thành lập mạng lưới y tế đủ sức lo cho dân. Ngoài ra, còn có các chiến lược an sinh, xã hội, truyền thông, giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin.
Thời gian qua thành phố tập trung lo chống dịch dẫn đến tình trạng các bệnh khác, các đối tượng khác chưa được chăm lo vẹn tròn nên bây giờ thành phố sẽ quay lại để chăm lo.