Người ta định nghĩa hành vi ấy là “hối lộ”. Có thể chỉ vài trăm ngàn, có thể là tiền tỉ, song hành vi thì giống nhau, là sự cho để nhận (trong hy vọng, nhờ cậy chứ không có biên lai, hóa đơn).
Tôi gặp gỡ với nhiều người, có người dày dạn kinh nghiệm xã hội, họ bảo, giờ hối lộ nó len lỏi khắp nơi. Đến nỗi không có nó, người ta lại thấy thiếu thiếu. Đến nỗi, dường như cái sai ấy đã dần dần trở thành cái đúng.
Hôm trước, nhà tôi có đám ma. Cụ nhà tôi trước đây là cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng, lại có thời gian công tác dài, nên anh em bạn bè đến viếng đông lắm.
Trời nắng, dòng người xếp hàng vào viếng cứ mỗi lúc một dài cũng là niềm hãnh diện của gia đình trong nỗi buồn, mất mát. Tập giấy viếng chỗ ông thợ kèn cũng ngày một dày thêm. Tôi thấy lạ là có những người đứng xếp hàng rất lâu, cả 2 tiếng đồng hồ không đến lượt viếng, trong khi có người vừa mới đến, đã được vào viếng.
Hỏi ra mới vỡ lẽ, ai kèm theo “dăm ba chục, một trăm” vào tờ giấy viếng để thợ kèn đọc, thì họ sẽ ưu tiên đọc trước. Những tờ giấy không có “tệp đính kèm” thì lui lại phía sau. Ở đám hiếu, chẳng ai dám to tiếng với thợ kèn, và người ta cũng ngại to tiếng.
Thế là, ông thợ kèn trở thành kẻ béo bở nhất trong đám viếng ấy. Không biết đám thợ kèn ấy “thu được” bao nhiêu, nhưng sau đó, ai cũng truyền tai nhau kinh nghiệm: Lần sau đi viếng đám ma đông, phải nhớ có “tệp đính kèm”.
Vì đâu mà hối lộ bây giờ lại phổ biến như thế? Ai cũng kêu ca, rằng đi đâu cũng phải lót tay, phải bôi trơn, muốn làm gì cũng phải “chạy”. Nhưng chính trong chúng ta, với tâm lý luôn muốn “chen lên phía trước”, muốn được việc của mình mà không quan tâm đến người khác, muốn dùng đồng tiền để mua bất cứ thứ gì… tạo ra “nghiệp chướng” cho chính mình. Chứ đâu có ai bắt ta phải đưa hối lộ!?
Bảo Khánh