Đem kiến thức đến cho người cao tuổi

75 tuổi, BS Trần Thị Dung vẫn chưa được nghỉ, làm Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi, Ủy viên Ban chấp hành TW hội người cao tuổi Việt Nam. Bận rộn với công việc, với biết bao dự án đem kiến thức đến cho người cao tuổi.

BS Trần Thị Dung luôn tâm huyết với việc đem kiến thức đến cho người cao tuổi.

Người già ở Việt Nam còn khổ quá

Năm 1998, đến tuổi nghỉ hưu nhưng BS Trần Thị Dung vẫn tiếp tục tham gia các dự án về y tế.

Đi nhiều nơi trên thế giới, bà nhận thấy rằng người cao tuổi ở nước ngoài sướng hơn ở Việt Nam. Một phần vì điều kiện kinh tế, nhưng chủ yếu là họ được trang bị kiến thức rất tốt ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế họ có thể sống độc lập, chủ động, tự lo cho mình, không phải phụ thuộc vào con cháu.

Trong khi đó, người già ở Việt Nam còn khổ quá. Mà khổ chính là vì thiếu kiến thức. Từ những hiểu biết sơ đẳng về cơ thể, về bản thân mình cũng thiếu. Đơn giản như khi bị bỏng, không biết xối nước lạnh hay ngâm ngay chỗ bỏng vào nước. Đằng này lại nghe người nọ người kia mách, hết bôi nước mắm, lại đắp lá, bôi kem đánh răng… dẫn đến nhiễm trùng vết thương.

Hay như việc người già thường bị ho, đó là do cơ miệng không kín khiến không khí lạnh vào cổ, chỉ cần quấn khăn ấm cổ hay ngậm một lát gừng là đỡ… Chưa nói đến những cách xử lý khi ngã, hay tai biến… lại càng ít người biết, để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, những di chứng nặng nề, thậm chí chết người.

Nhất là về những vùng quê mới thấy, người già càng khổ. Cứ tưởng ở quê sướng hơn thành phố vì được sống cùng con cháu, không phải chịu cảnh cô đơn. Nhưng có cái khổ là phụ thuộc nên nhiều khi phải chịu những bạo lực vô hình từ cách đối xử của con cháu.

Người già phải có lối sống của người già. Sống chung 3-4 thế hệ là điều rất khó, nhiều khi phải chịu đựng lẫn nhau. Nhưng muốn sống độc lập, người già phải chủ động được về kinh tế, phải có kiến thức để chăm lo sức khỏe cho mình.

Phải có kiến thức để sống vui sống khỏe

Năm 2005, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi được thành lập, BS Trần Thị Dung trở thành giám đốc Trung tâm. Hơn 12 năm hoạt động, Trung tâm đã tổ chức nhiều hội nghị truyền thông tư vấn, phối hợp với các cấp hội người cao tuổi, tổ chức tập huấn cho cán bộ hội.

Đặc biệt Trung tâm còn xuất bản tập san Sức khỏe người cao tuổi ra hàng tháng và suốt bao năm nay duy trì Tổng đài tư vấn, mà chính bà cũng là người trực tổng đài, giải đáp thắc mắc cho các cụ.

Trung tâm đã được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, nhiều giấy khen, bằng khen và nhân kỷ niệm 10 năm thành lập đã được tặng Huân chương lao động hạng 3.

Trung tâm còn tổ chức mô hình CLB tâm tình người cao tuổi làm sân chơi cho các cụ. Tại đây, mỗi tháng các cụ được nghe nói chuyện về các vấn đề sức khỏe, các mối quan hệ trong gia đình, xã hội… Hiện rất được người cao tuổi đón nhận.

BS Trần Thị Dung chia sẻ, 12 năm làm công tác này, chưa bao giờ bà thấy mệt mỏi. Có những khi phải đi nói chuyện liên tiếp ở mấy tỉnh, nhưng cứ nghĩ đến ý nghĩa của công việc mình làm, thấy sự mong mỏi được nghe, được hỏi của các cụ, là lại thấy mình cần phải cố gắng.

Với bà, được làm việc, không ngừng cập nhật kiến thức mới, trang bị kiến thức cho mọi người cũng là cách để mình sống vui, sống khỏe, sống có ích. Càng đọc, càng nghiên cứu càng thấy mình hiểu biết còn ít quá. Riêng như cách uống nước mà người Nhật có cuộc hội thảo tới 5 ngày. Thế nên phải đọc, mỗi ngày ít nhất phải đọc 15 phút, đó cũng là cách chống lão hóa tốt nhất.

Trò chuyện với bà khiến tôi hiểu ra rằng, tuổi già sẽ chẳng có gì đáng sợ khi ta có kiến thức và có sự chuẩn bị tốt để đón nhận nó. Sự hiểu biết khiến con người ta trở nên tự tin và vững vàng.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top