Khi thấy người thân có những biểu hiện của bệnh hưng phấn quá mức, cần đưa đến ngay cơ sở y tế. Ảnh minh họa.
Theo TS. BS.Ngô Tích Linh,Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TPHCM, không ai nghĩ sự yêu đời, phấn chấn của người cao tuổi lại có thể gây thiệt hại nhiều đến sức khỏe và cả… tài sản trong nhà. Đến khi tiền của trong nhà cứ “đội nón ra đi” vì những cú vung tay khi hưng phấn quá mức hay vì những kế hoạch kinh doanh không tưởng, người thân mới tá hỏa lo tìm thầy thuốc chữa trị cho các cụ. Nhưng đến lúc này, tình trạng bệnh do hưng phấn quá mức đã khá nặng.
Những triệu chứng gợi ý
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trạng thái hưng phấn quá mức, bất thường, như: yếu tố di truyền, các sang chấn tâm lý hoặc những vấn đề gặp phải trong môi trường sống. Người sau 50 tuổi có những tổn thương não do từng bị đột quỵ, chấn thương sọ, nhiễm trùng não cũng dễ bị hưng cảm…
Hầu hết các bệnh nhân cao tuổi trước khi bị hưng phấn quá mức đều đã từng có tiền sử bị rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, với những hậu quả mà bệnh mang lại, cần có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt. Hãy quan sát người thân, đặc biệt là người lớn tuổi trong nhà, để giúp bệnh được phát hiện sớm. Nếu thấy người cao tuổi có những triệu chứng sau, hãy đặt câu hỏi nghi ngờ ngay:
– Tự đánh giá cao bản thân: Tự cho mình tài năng, có thể làm được mọi thứ và rất tin tưởng vào thành công của mình mặc dù những người khác đều thấy điều đó thiếu thực tế.
– Giảm nhu cầu ngủ: Không ngủ nhiều, chỉ ngủ vài giờ mỗi ngày, hay làm việc đêm.
– Nói nhiều hơn bình thường: Nói liên tục, thậm chí cướp lời người khác.
– Nhịp độ tư duy tăng: Có suy nghĩ dồn dập trong đầu, đẩy đến tình trạng hoạt động, lên kế hoạch liên tục.
– Đãng trí, hay quên.
– Gia tăng các hoạt động có mục đích: Dường như không thể ngồi yên, luôn làm gì đó cho mục tiêu đã đề ra.
– Tiêu tốn sức lực quá nhiều vào các hoạt động có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
Hưng cảm là vui vẻ quá mức?
Hưng cảm không phải là yêu đời hơn bình thường, tâm trạng luôn phấn khích, vui vẻ. Thực chất, người rơi vào tình trạng hưng cảm hay bị cảm giác bực bội xâm chiếm và cũng dễ trút cơn bực bội của mình lên những người xung quanh. Họ cũng dễ bị kích động hơn. Chính vì điều này, những cuộc gây gổ của các cụ với người thân trong nhà hay người ngoài hay diễn ra. Có những chuyện tưởng như tủn mủn không đâu, những va chạm nhỏ nhặt trong sinh hoạt, trong cuộc sống thường ngày cũng khiến nhiều người cao tuổi nóng giận, làm “dữ” ra mặt…
Ngoài việc gây tổn hại đến bản thân khi hoạt động, suy nghĩ nhiều mà chẳng muốn ăn, ngủ, người mắc bệnh hưng cảm còn dễ làm tổn thương đến những người xung quanh do căn bệnh khiến họ không còn biết đến những khuôn khổ, ranh giới thông thường. Việc cảm xúc gia tăng quá mức còn khiến bệnh nhân dễ có hành vi bạo lực với những người làm trái ý mình.
Họ cũng có thể bỗng tiêu xài vô độ, mua sắm hoang phí và sẵn sàng cho những người không quen biết toàn bộ số tiền mình có trong túi, thích xen vào chuyện người khác, dễ nổi nóng gây sự, có nhiều lúc tỏ ra rất mến khách, có lúc lại hung hăng, kích động… Cảm xúc thường không ổn định, lúc vui vẻ, lúc bực bội cáu gắt. Những bệnh nhân hưng cảm làm trong ngành kinh doanh lại muốn lao vào những vụ đầu tư mạo hiểm, không còn tỉnh táo để tính toán thiệt hơn nên dễ làm gia đình điêu đứng.
Khi phát hiện người thân có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh hưng cảm, cần đưa đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần gần nhất hoặc bệnh viện tâm thần để các bác sĩ khám tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Cần sự kiên trì
Rất khó nắm bắt cảm xúc, tình trạng của người bệnh, đặc biệt khi có các giai đoạn bệnh trầm cảm hay hưng cảm lần lượt nối tiếp nhau. Cuộc sống của người bị bệnh lúc này giống như những con sóng biển, lúc lên (hưng cảm), lúc xuống (trầm cảm), lúc yên bình (cân bằng). Trong khi đó, cũng có những lúc bệnh nhân chỉ trải qua những cảm giác của hưng cảm đơn thuần mà không có những cơn trầm cảm. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh hưng cảm cũng như việc cho thuốc rất phức tạp, cần đến chuyên gia lành nghề cộng với việc thời gian điều trị lâu dài.
Hưng cảm là căn bệnh có thể chữa được. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thông thường bệnh nhân không thừa nhận bệnh nên người thân cần chú ý theo dõi và thuyết phục họ kiên trì chữa trị. Việc dùng thuốc kết hợp ra sao cần tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Mai Nguyễn (tổng hợp)