Đầy hơi, chướng bụng kèm 7 dấu hiệu này cần đi khám càng sớm càng tốt

Khi đầy hơi hoặc chướng bụng đi kèm với các triệu chứng khác như tiêu chảy dai dẳng, thiếu máu, đau bụng,... điều đó có thể gây lo ngại. 

Đầy hơi, chướng bụng kéo dài có thể là dấu hiệu cơ thể đang bất ổn. Ảnh minh họa: Buzzfeed.

Đầy hơi, chướng bụng là triệu chứng của lượng khí dư thừa trong dạ dày. Thông thường, đầy hơi ở một mức độ nào đó là điều bình thường sau khi ăn, vì khi thức ăn được tiêu hóa, một số thành phần của thức ăn có thể lên men và tạo ra khí, khiến dạ dày có vẻ căng phồng. Những khí này chủ yếu thoát ra ngoài qua quá trình ợ hơi trước khi chúng đến ruột.

Tuy nhiên, khi đầy hơi hoặc chướng bụng đi kèm với các triệu chứng khác, điều đó có thể gây lo ngại. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy tình trạng đầy hơi hoặc chướng bụng của bạn có thể là vấn đề cần cẩn trọng.

Táo bón hoặc phân có máu

Chia sẻ với HuffPost, tiến sĩ Vivy Cusumano, bác sĩ tiêu hóa tại Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe Chất lượng cao (UCLA Health), cho biết phân có thể tiết lộ rất nhiều điều về sức khỏe đường ruột và đường tiêu hóa.

Hãy chú ý đến kích thước, màu sắc và hình dạng của phân và tần suất bạn đi vệ sinh. Khi đầy hơi đi kèm với sự thay đổi về dạng phân hoặc máu, điều này có thể cảnh báo các tình trạng như bệnh viêm ruột (IBD).

Tiêu chảy dai dẳng

Theo tiến sĩ Cusumano, tiêu chảy kèm đầy hơi có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh celiac, một chứng rối loạn tự miễn dịch. Trong khi IBS thường biểu hiện dưới dạng tiêu chảy, những người mắc IBS có thể bị cả táo bón và tiêu chảy, hoặc chỉ táo bón.

Thiếu hụt dinh dưỡng hoặc thiếu máu

Theo tiến sĩ Manuel Amaris, Phó giáo sư lâm sàng tại khoa Tiêu hóa, Gan và Dinh dưỡng tại Đại học Y khoa Florida (Mỹ), cho biết sự thiếu hụt vitamin hoặc dinh dưỡng có thể tàn phá sức khỏe tinh thần và thể chất, bao gồm cả đường ruột của bạn. Ví dụ, đầy hơi có thể do các vấn đề như thiếu máu, thiếu sắt hoặc thiếu B12.

Sự thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể là dấu hiệu bạn đang phải đối mặt với tình trạng tiềm ẩn như bệnh celiac, bệnh viêm ruột. Ngoài ra, sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột cũng gây ra các vấn đề ở cơ quan này.

Đầy hơi hoặc chướng bụng kéo dài

Theo Cleveland Clinic, tình trạng đầy hơi hoặc chướng bụng không đáng lo ngại do biến động về thức ăn hoặc hormone có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, điều này kéo dài có thể cho thấy các vấn đề lớn hơn về đường tiêu hóa đang diễn ra. Nếu có các triệu chứng này kéo dài hơn 10-14 ngày, bạn nên cho bác sĩ biết.

No nhanh hoặc mất cảm giác ngon miệng

Khẩu phần ăn và bữa ăn trung bình thường không gây đau đường ruột. Chán ăn hoặc không thể ăn hết bữa có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tiềm ẩn cần được chăm sóc y tế.

Ung thư phụ khoa có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa do cách chúng lây lan. Đôi khi, ung thư khiến ruột hoạt động chậm chạp, dẫn đến buồn nôn hoặc cảm thấy no ngay cả khi chỉ ăn hai hoặc ba miếng thức ăn. Ung thư phụ khoa có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng trong bụng, gọi là cổ trướng, có thể bị nhầm lẫn với đầy hơi và chướng bụng.

Bạn nên đi gặp bác sĩ nếu có triệu chứng đầy hơi, chướng bụng kéo dài kèm theo cảm giác chán ăn, ăn nhanh no. Ảnh: Shutterstock.

Chuột rút hoặc đau bụng

Đau bụng đầy hơi là một phần bình thường của quá trình tiêu hóa, nhưng chuột rút hoặc đau bụng dữ dội có thể là triệu chứng của rối loạn chức năng đường tiêu hóa và các vấn đề khác như sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm ruột thừa...

Điều đáng chú ý là đau bụng - cùng với phân có máu và thay đổi nhu động ruột - là dấu hiệu ban đầu thường bị bỏ qua của bệnh ung thư đại trực tràng, căn bệnh đang gia tăng ở thanh niên.

Buồn nôn hoặc nôn

Các chuyên gia đồng ý rằng khi chướng bụng hoặc đầy hơi đi kèm với các cơn buồn nôn và ói mửa tái diễn, có thể đó là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe cần được điều trị. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều thuốc chống viêm không steroid (NSAID) - bao gồm các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen và aspirin - có thể dẫn đến đủ loại rối loạn tiêu hóa.

Bệnh Crohn cũng có thể gây hẹp ruột và tắc ruột, dẫn đến đầy hơi, sụt cân, buồn nôn và nôn sau bữa ăn. Các triệu chứng khác xuất hiện bên ngoài đường tiêu hóa, bao gồm loét miệng, đau khớp, tổn thương da và viêm mắt.

Theo Đời sống
back to top