Dây cóc trị được đái tháo đường?

Dây ký ninh (dây cóc) có tiềm năng trong giảm đường huyết, nhưng để ứng dụng chữa bệnh đái tháo đường thì chưa được vì tính an toàn khi sử dụng chưa rõ.

Dây cóc hay còn được gọi là dây ký ninh, dây thần thông, Bảo cự hành, Khau keo hơ (Tày), dùng để chữa sốt rét, mụn nhọt (cành, cây bỏ lá sắc uống).

day-coc.jpg
Dây cóc (dây ký ninh) có tiềm năng trong việc giảm đường huyết, nhưng chưa ứng dụng chữa bệnh đái tháo đường bởi tính an toàn của chúng khi sử dụng vẫn chưa được làm rõ. Ảnh minh họa

Dây ký ninh là dây leo nhẵn. Cành già có nhiều u lồi như mụn cóc. Lá mọc so le, hình tim, đầu nhọn, dài 5 - 9cm, rộng 2,5 - 10cm, mép nguyên hoặc có răng rất thưa, gân lá hình chân vịt, cuống lá dài 2,5 - 7,5cm.

Việc trồng dây ký ninh rất dễ, chỉ cần cắt thân thành từng mẩu dài chừng 10 - 15cm, trồng nghiêng xuống đất. Mùa nực phát triển rất mạnh.

Thu hoạch quanh năm, hái về cắt thành từng đoạn ngắn chừng 0,5 - 1cm, phơi hoặc sấy khô. Khi tươi, có chất nhựa nhầy, vị rất đắng.

Trong thân dây ký ninh đã lấy ra được một ít alkaloid. Một số tác giả cho chất alkaloid đó là chất berberin. Nhưng theo Beauquesne, đó là chất palmatin. Tỷ lệ alkaloid đó chừng 0,10% so với thân khô.

Ngoài alkaloid ra, dây ký ninh còn lấy ra được một chất đắng với một tỷ lệ 0,60 - 0,80% tính trên thân cây khô. Chất đắng này đã được xác định là một glycosid.

Trong rễ, nhiều tác giả đã chiết ra được chất alkaloid berberin, chất đắng columbin (chừng 2,2%).

Dây ký ninh vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, làm ra mồ hôi, tiêu đờm, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, lợi tiêu hóa, làm thuốc bổ đắng.

Theo y học cổ truyền, dây ký ninh được dùng chữa sốt rét, cảm cúm, phát ban, ho, làm thuốc bổ đắng giúp tiêu hóa, tiêu mụn nhọt, đắp vết thương, trị ghẻ.

Ngày 6 - 10g hoặc 15 - 20g tươi, sắc uống. Có thể dùng bột hoặc luyện thành viên hoặc ngâm rượu.

Dùng ngoài, nấu nước rửa mụn nhọt, vết thương hoặc sắc đặc bôi ghẻ.

Một số nghiên cứu sử dụng dây ký ninh để điều trị đái tháo đường trên động vật. Bước đầu ghi nhận được kết quả dây ký ninh có khả năng kích thích bài tiết insulin của tuyến tụy, đồng thời, tăng cường sử dụng insulin của tế bào cơ bắp, từ đó làm giảm đường huyết.

Tuy nhiên, rất nhiều báo cáo trước đó cho thấy loại dây này khi sử dụng dài ngày có thể gây nhiều tác hại trên gan.

Dây ký ninh có tiềm năng trong việc giảm đường huyết, nhưng chưa ứng dụng chữa bệnh đái tháo đường bởi tính an toàn của chúng khi sử dụng vẫn chưa được làm rõ.

Để điều trị đái tháo đường, người bệnh cần được chẩn đoán bệnh bởi bác sĩ chuyên khoa xem tiểu đường của mình là loại nào, týp 1, týp 2 hay tiểu đường thai kỳ, từ đó có hướng điều trị phù hợp, cần theo dõi đường huyết và điều chỉnh liều thuốc dựa trên các chỉ số sinh hóa của cơ thể.

 Nguyên tắc chung: Ăn uống khoa học, vận động hợp lý, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Cần lưu ý, đái tháo đường là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn, mục tiêu chính là ổn định đường huyết và kiểm soát các biến chứng trên tim, thận, mắt, thần kinh...

Do đó, cần thận trọng với các quảng cáo hay lời đồn về việc điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường.

Theo VietnamDaily
Hội chứng đau cơ xơ hóa là gì?

Hội chứng đau cơ xơ hóa là gì?

Hội chứng đau cơ xơ hoá là một tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. Đau cơ xơ hoá thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, hoặc trầm cảm nhưng không có tổn thương thực thể.
Virus HMPV lây lan như thế nào?

Virus HMPV lây lan như thế nào?

Virus có thể lây lan qua các giọt bắn nhỏ li ti trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt bắn này có thể chứa virus HMPV và xâm nhập vào đường hô hấp của người khỏe mạnh.
back to top