Đan sâm trị thiểu năng tuần hoàn não

(khoahocdoisong.vn) - Đan sâm là vị thuốc đầu bảng về huyết mạch nên người xưa rất coi trọng công dụng hoạt huyết hóa ứ của đan sâm để trị thiểu năng tuần hoàn não ở người cao tuổi.

Thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi và hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Có hai nguyên nhân chính: một là do các mảng vữa xơ làm hẹp lòng động mạch cung cấp máu nuôi não, hai là do hư xương sụn cột sống cổ gây nên tình trạng thiểu năng hệ động mạch đốt sống – thân nề.

Cả hai nguyên nhân đều đưa đến hậu quả làm tổ chức não thiếu dưỡng khí và từ đó phát sinh hàng loạt triệu chứng như đau nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc, tê bì tay chân, mất ngủ… Trong y học cổ truyền, thiểu năng tuần hoàn não thuộc phạm vi các chứng “huyễn vựng”, “đầu thống”, “thất miên”, “tiểu trúng phong”... với các biện pháp trị liệu hết sức phong phú từ dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp đến khí công, dưỡng sinh, y thực trị... và dùng bài thuốc đơn giản từ nhân sâm để trị.

Theo y thư cổ, đan sâm vị đắng tính hơi lạnh, vào được hai kinh tâm và can, có công dụng hoạt huyết khứ ứ, tiêu thũng chỉ thống, lương huyết dưỡng huyết và an thần; thường được dùng để chữa các chứng bệnh do huyết ứ gây nên như thống kinh, bế kinh, kinh nguyệt không đều, tâm thống, hung hiếp thống, quản phúc thống, phong thấp tý thống, ung thư thũng thống, tâm quý chính xung, trật đả thương tổn…

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, với thành phần chủ yếu gồm Tanshinone I, IIA và IIB,  Cryptotanshinone, Salvianolic acid A, B và C, Tanshiquinone… Đan sâm có tác dụng dược lý khá phong phú, trong đó có tác dụng với tim mạch gồm: Làm giãn và tăng lưu lượng động mạch vành, phòng chống tích cực tình trạng thiếu máu và hoại tử cơ tim, làm chậm nhịp tim; Cải thiện vi tuần hoàn, nâng cao sức chịu đựng của tế bào não và cơ tim trong điều kiện thiếu oxy; Chống đông máu, ức chế chức năng tiểu cầu và ổn định màng hồng cầu; Điều chỉnh rối loạn lipid máu: làm giảm cholesterol và triglycerid; ức chế và làm chậm quá trình hình thành các mảng vữa xơ động mạch…

Trà đan sâm: Thảo quyết minh, đan sâm, xuyên khung, sơn tra, liều lượng như nhau. Tất cả đem thái vụn, sao thơm, mỗi lần dùng 20 - 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, làm giảm cholesterol máu, điều trị thiểu năng tuần hoàn não. Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh thì không nên dùng bài này.

Thang đan sâm: Hồng hoa 10g, đan sâm 30g, sinh sơn tra 30g. Tất cả đem sắc kỹ lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang, chia uống 2 lần sáng và chiều. Công dụng: Hoạt huyết, hóa ứ, tiêu trệ, làm giảm cholesterol máu, dùng thích hợp cho những người bị thiểu năng tuần hoàn não có tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành và rối loạn lipid máu. Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh thì không nên dùng bài này.

Bột đan sâm: Đan sâm 100g, tam thất 20g. Cả hai thứ đem sao thơm rồi tán thành bột mịn, mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 5g. Công dụng: Hoạt huyết, bổ huyết, dùng thích hợp cho những người bị thiểu năng tuần hoàn não có thiếu máu cơ tim, xơ vữa động mạch. Phụ nữ có thai hoặc đang hành kinh thì không nên dùng thuốc bài thuốc này.

BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top